Tham gia buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự buổi làm việc của Tổng Bí thư còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Trần Hồng Minh và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Gia Lai có Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Gia Lai
Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai
Gia Lai phải bứt tốc vươn lên
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và Gia Lai tập trung thảo luận cho ý kiến về những khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội là vấn đề rất quan trọng.
Qua báo cáo Tổng Bí thư cảm thấy băn khoăn về phát triển kinh tế của Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025 với 6 chỉ tiêu quan trọng đưa ra, có cả Bộ, ngành Trung ương và nỗ lực của địa phương. Song tất cả các kiến nghị đề xuất đều mong muốn hỗ trợ từ Trung ương. "Vậy địa phương cần phải nỗ lực ra sao để giải quyết 6 khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội? Bên cạnh đó là yêu cầu phát triển bứt tốc, nếu cứ phát triển ì ạch, tốc độ tăng trưởng mới đạt hơn 6% chưa bằng tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Trong khi, cả nước đang hào hứng để tăng trưởng, chưa nói đến tăng trưởng 2 con số. Đề nghị các cơ quan tập trung trao đổi cụ thể đâu là cấp độ phát triển địa phương phải thực hiện"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư trao tặng công trình Trạm y tế xã Glar, huyện Đăk Đoa
Thứ hai, tập trung đến công tác xây dựng Đảng đảm bảo vai trò sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề rất quan trọng phải tập trung; một trong những yếu tố quyết định sự thắng lợi phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thứ ba, trước mắt về vấn đề sự kiện chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng các cấp thì địa phương có gì khó khăn, trọng tâm là năm 2025. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai Nghị quyết 18 TW, vấn đề này, đề nghị Gia Lai thảo luận nêu rõ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 18.
Cùng với đó, thông qua buổi làm việc Tổng Bí thư cũng đề nghị các cơ quan của Trung ương, Chính phủ tập trung nói thẳng vào các đề xuất của địa phương. "Ví dụ như kiến nghị cao tốc Quy Nhơn lẽ ra triển khai năm 2024 nhưng giờ chưa triển khai, tại sao lại như vậy, là từ địa phương hay từ trung ương, cùng với đó là kiến nghị về sân bay, tăng ngân sách cho địa phương"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng đề nghị các các quan Trung ương có góp ý gì cho địa phương để đột phát tăng trưởng cụ thể như: Nông nghiệp, công nghiệp tăng trưởng ra sao, nâng cao đời sống cho người dân thế nào. Yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới rất khẩn trương, không để tồn tại các điểm nghẽn. Chúng ta trao đổi cụ thể để Gia Lai bứt phá trong khi tiềm năng, tinh thần của Gia Lai là rất tốt nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đoàn công tác Trung ương chọn đến Gia Lai để làm việc cũng rất kỳ vọng Gia Lai sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Cùng đó, đề nghị các Bộ, ngành đi thẳng vào vấn đề, trong đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về vấn đề đất, nước để làm sao cho địa phương bứt phá được. Gia Lai có hơn 1,6 triệu dân số, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, tiềm năng rất lớn nhưng lại không thể đi đầu, không thể trở thành trung tâm phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo được, trong khi các địa phương khác lại rất khó khăn.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Xuất khẩu là điểm nhấn, đột phá
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đến tháng 12 năm 2024. Theo đó, thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (viết tắt là Nghị quyết Đại hội XVI) trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức...Song được sự quan tâm lãnh đạo, định hướng của Trung ương, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc
Theo đó, trong giai đoạn từ 2020 – 2025 (dự ước), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng bình quân 6,21%/năm. Quy mô kinh tế gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Dự ước đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 75,69 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,51%; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ che phủ rừng (bao gồm cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích) đạt 47,75%. Bình quân hằng năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,11%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 7,03%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,94%; rừng mới trồng đạt 40.000 ha, đạt Nghị quyết đề ra.
Riêng trong năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 3,28%; GRDP bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng (tăng 7,45 triệu đồng so với năm 2023).
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi dưỡng.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5% (bao gồm cả cây cao su) đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 3,19% so với cùng kỳ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 60.083 tỷ đồng, tăng 10,52% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt đạt 820 triệu USD, đạt 109,33% Nghị quyết, tăng 17,65% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu chủ lực là cà phê tăng cả về số lượng và giá trị). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 142 triệu USD, vượt 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 0,71% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 27.748 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Quy hoạch tỉnh) theo đúng quy định. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quyết định phê duyệt. Triển khai Công điện số 46/CĐ-TTg, ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các quy hoạch tỉnh; quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2024) đạt 6.334,7 tỷ đồng, vượt 12,6% so với dự toán Trung ương giao, vượt 8,9% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu giáo dục đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Chất lượng giáo dục được nâng lên; mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo tiếp tục mở rộng. Chỉ tiêu về y tế cơ bản đạt so với Nghị quyết. Mạng lưới và nguồn lực y tế không ngừng được củng cố và phát triển. Hoạt động du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc.
Quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW
Đáng chú ý, hiện Tỉnh ủy Gia Lai đang thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (viết tắt là Nghị quyết 18-NQ/TW)
Thực hiện các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Công văn số 12400-CV/VPTW, ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng chủ trương về công tác cán bộ để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và cụ thể hóa triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành: Công văn số 1606-CV/TU, ngày 21 tháng 11 năm 2024 chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương tổng kết và tham mưu triển khai thực hiện các nội dung có liên quan; Công văn số 1268-CV/TU, ngày 06 tháng 12 năm 2024 chỉ đạo các nội dung liên quan đến việc thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị, địa phương khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; xây dựng phương án tổng thể sáp nhập, kết thúc hoạt động của cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị, ban chỉ đạo…; phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong phạm vi lãnh đạo, quản lý theo các nội dung chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh phát biểu
Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và cho ý kiến về phương án tổng thể sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh; sau Hội nghị đã kịp thời hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, Phương án sau sắp xếp dự kiến giảm như sau:
* Đối với các cơ quan đảng:
Cấp tỉnh: Giảm 02 cơ quan thuộc Tỉnh ủy (01 cơ quan do sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy, 01 cơ quan do kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh); giảm 07 đảng đoàn, 03 ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh ủy; giảm khoảng 12 trang thông tin điện tử, tạp chí; giảm 07 ban chỉ đạo cấp tỉnh; tăng 01 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (do kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nhưng thành lập mới 02 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy); dự kiến trước mắt giảm 11 cán bộ lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng hoặc phó phụ trách cơ quan, đơn vị và giảm 06 cán bộ, công chức, viên chức. Dự kiến đến năm 2030 giảm thêm tối thiểu 37 cán bộ, công chức, viên chức.
Cấp huyện: Giảm 02 cơ quan trực thuộc cấp ủy cấp huyện (do sáp nhập ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện và ban dân vận cấp ủy cấp huyện và kết thúc hoạt động của ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp huyện); giảm khoảng 124 bản tin, trang thông tin điện tử; giảm 81 ban chỉ đạo cấp ủy cấp huyện; dự kiến trước mắt giảm 17 cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và giảm 10 cán bộ, công chức, viên chức; dự kiến đến năm 2030 giảm thêm tối thiểu 62 cán bộ, công chức, viên chức.
* Đối với chính quyền địa phương:
Cấp tỉnh: Hội đồng nhân dân tỉnh giảm 01 Ban (do sáp nhập Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Dân tộc), giảm 01 bản tin, 01 trang tin điện tử; dự kiến trước mắt giảm 01 cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Giảm 07 sở, ngành và tương đương; giảm 21 phòng thuộc sở; giảm 08 chi cục nhưng tăng 01 chi cục tiếp nhận từ bộ, ngành Trung ương chuyển về; giảm 30 phòng thuộc chi cục; giảm 29 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm các trang tin, bản tin điện tử; giảm 42 tổ chức phối hợp liên ngành; giảm 10 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; dự kiến trước mắt giảm 69 cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và giảm 67 cán bộ, công chức; dự kiến đến năm 2030 giảm thêm tối thiểu 159 cán bộ, công chức.
Cấp huyện: Hội đồng nhân dân cấp huyện giảm 01 ban (do sáp nhập ban kinh tế - xã hội và ban dân tộc), dự kiến trước mắt giảm 01 cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Giảm 31 phòng chuyên môn trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; giảm 320 ban chỉ đạo chính quyền cấp huyện; giảm 336 tạp chí, bản tin, trang tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp huyện, các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; giảm 01 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp huyện; dự kiến trước mắt giảm 31 đồng chí cấp trưởng các cơ quan, đơn vị và giảm 62 cán bộ, công chức, viên chức; dự kiến đến năm 2030 giảm thêm tối thiểu 1.407 cán bộ, công chức, viên chức.
Gia Lai kiến nghị 3 nhóm vấn đề lớn
Dù đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, song Tỉnh ủy Gia Lai cũng nhìn nhận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, qua đánh giá giữa nhiệm kỳ và đánh giá sơ bộ, dự ước về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVII: Tổng thể kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 phát triển ổn định nhưng chưa có nhiều bứt phá. Kinh tế từng bước phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp, không đạt mục tiêu đề ra, dự ước có 06 chỉ tiêu kinh tế không đạt Nghị quyết: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân; (2) GRDP bình quân đầu người; (3) Cơ cấu kinh tế; (4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm; (5) Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm; (6) Tỷ lệ đô thị hóa. Chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh chưa bền vững.
Đại diện một số bộ, ngành địa phương tham dự buổi làm việc
Công nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào công nghiệp sản xuất điện. Trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ chưa cao. Hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đô thị chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn bất cập. Còn một số sai phạm, hạn chế đã được các cơ quan Trung ương chỉ ra sau thanh tra, kiểm tra.
Giáo dục và đào tạo có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển, nhu cầu của xã hội. Kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế còn thiếu. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo có khả năng tái nghèo cao.
Trong 21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 05 chỉ tiêu không đạt Nghị quyết đề ra. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, chưa toàn diện; một số dự án điện gió chưa được đưa vào vận hành. Huy động vốn đầu tư từ các dự án ngoài ngân sách chưa nhiều. Giải ngân xây dựng cơ bản mới đạt mức trung bình chung cả nước. Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả 03 tiêu chí. Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và nông thôn gặp nhiều khó khăn. Công tác tổ chức giám sát và phản biện xã hội tại một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức hội nghị phản biện ở cấp huyện, xã còn ít.
Lãnh đạo một số tập đoàn lớn tham dự buổi làm việc
Để Gia Lai tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới, Gia Lai kiến nghị với Trung ương 3 nhóm vấn đề lớn.
Thứ nhất, liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Theo đó, Gia Lai kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vùng Tây Nguyên. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các chương trình/kế hoạch theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP của Chính phủ để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, như: Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên; Đề án tăng cường thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ và lưu trữ năng lượng tái tạo vùng Tây Nguyên…
Đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách, tiêu chí cụ thể để bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước ưu tiên tập trung thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, các dự án trọng điểm, liên kết của vùng theo Nghị quyết số 23-NQ/TW và Quyết định số 377/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên, như: Nâng cấp Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C; Đầu tư xây dựng cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; Cao tốc Bắc - Nam phía Tây; Tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên; Tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) và Ea H’Leo (Đắk Lắk); Tuyến đường nối Gia Lai - Phú Yên.
Nội dung cụ thể trước mắt đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thống nhất theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 14038/BGTVT-KHĐT, ngày 25 tháng 12 năm 2024. Đồng thời,Thu đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn chỉnh hồ sơ đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku để khởi công trước tháng 8 năm 2025, phấn đấu dự án có thể đi vào khai thác, sử dụng trong nửa đầu nhiệm kỳ sau.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng hàng không Pleiku, tỉnh Gia Lai theo quy hoạch trong năm 2025 và có thể khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy định tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ hai, đối với việc thực hiện đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, Gia Lai cũng đề nghị Trung ương quan tâm, xem xét nâng tỷ lệ bổ sung ngân sách cho Gia Lai lên mức trung bình của 10 tỉnh có tỷ lệ bổ sung cao nhất. Đồng thời, đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, đề nghị áp dụng các chính sách ưu tiên đặc thù, nâng mức bổ sung có mục tiêu cho địa phương từ 30% lên 40%.
Tạo điều kiện giúp tỉnh gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, có tính kết nối vùng theo Nghị quyết 23-NQ/TW; Quyết định số 104/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (đặc biệt đối với chỉ tiêu thoát 01 huyện nghèo).
Thứ ba, đối với việc bảo đảm nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội, dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su và lĩnh vực năng lượng, Gia Lai cũng đề nghị Trung ương quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng mới 08 công trình thủy lợi (gồm: 06 hồ chứa nước loại lớn, 01 hệ thống đập dâng, 01 trạm bơm điện) và nâng cấp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bị xuống cấp để đảm bảo an toàn với tổng kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng mới 08 công trình với kinh phí khoảng 2.137 tỷ đồng, diện tích tưới tăng thêm khoảng 3.400 ha; kinh phí nâng cấp sửa chữa các hồ chứa bị xuống cấp khoảng 263 tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và vùng hạ du công trình trong mùa mưa lũ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và cùng với tỉnh đánh giá một cách toàn diện chương trình chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su của tỉnh; định hướng xử lý diện tích cây cao su bị chết, kém phát triển phù hợp nhất trên diện tích này; thống nhất đối với việc phục hồi lại rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên diện tích đất không còn rừng, nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang thực hiện các dự án chăn nuôi, trồng trọt, dự án khác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 173/TB-VPCP, ngày 15 tháng 6 năm 2022.
Đối với diện tích cao su kém phát triển, bị chết, các doanh nghiệp đề xuất chuyển sang thực hiện các dự án chăn nuôi, trồng trọt, dự án khác phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (diện tích này hiện trạng không còn rừng); đồng thời, phải thực hiện việc trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế bằng 1 lần hay 3 lần diện tích chuyển đổi.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Nhóm PV