Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng ngành y tế nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025). Ảnh: TTXVN
Hệ thống y tế không ngừng được củng cố, mở rộng
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư chia sẻ, trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, lao động, cống hiến và trưởng thành, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn về chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho người dân.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế của Liên Hợp Quốc, với nhiều chỉ số về hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng vượt trội so với nhiều quốc gia có cùng mức phát triển.
Hệ thống y tế nước ta đã không ngừng được củng cố, mở rộng từ Trung ương tới địa phương; từ đô thị tới các vùng rừng núi, hải đảo, vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, khả năng thực hành của đội ngũ y bác sĩ ngày càng nâng cao bên cạnh các máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc men ngày một hiện đại, tiên tiến.
Năng lực y tế của chúng ta hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học thế giới. Ngành y tế Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc chung tay giải quyết những thách thức y tế mang tính toàn cầu.
Những thập kỷ gần đây, ngành y tế Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng điều trị, ứng dụng công nghệ cao và phát triển y học hiện đại. Các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, bệnh viện 108... đã làm chủ nhiều kỹ thuật y học tiên tiến. Các bác sĩ của chúng ta đã thực hiện thành công các ca ghép tạng phức tạp như ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép phổi… giúp cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Phẫu thuật bằng robot được triển khai trong các lĩnh vực ngoại khoa, tiết niệu, thần kinh, ung bướu, giúp nâng cao độ chính xác trong điều trị. Công nghệ tế bào gốc được ứng dụng điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý về máu, chấn thương tủy sống, xơ gan, ung thư.
Ngành Y tế cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng từ khoảng 38 tuổi năm 1945, lên 60 tuổi (giai đoạn 1975-1980) và lên mức trung bình 74,5 tuổi hiện nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: SK&ĐS
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới. Những thách thức này không chỉ đến từ những yếu tố nội tại của ngành mà còn bởi các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ.
“Dịp chúng ta kỷ niệm 70 năm thực hiện lời Bác dạy, chúng ta đã báo cáo với Bác kết quả thực hiện lời dạy này. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn trăn trở với những gì chưa làm được, đặc biệt với mong muốn của Bác là “xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” và “phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng””, Tổng Bí thư cho biết.
Cũng theo Tổng Bí thư, một trong những thách thức lớn nhất của ngành y tế là thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, tạo được nguồn nhân lực chất lượng tốt cho xã hội, tạo được cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân. Ai cũng được chăm sóc sức khỏe để đạt được mong muốn kéo dài tuổi thọ và có cuộc sống mạnh khỏe, xã hội trong lành, không có dịch bệnh, không có nguy hiểm. Đây là mục tiêu của Đảng, của chế độ, cũng là điều mong muốn của nhân dân. Phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân là 80 tuổi, 90 tuổi và 100 tuổi.
Ngành y tế không phải chỉ là khám chữa bệnh mà phải là phòng ngừa bệnh tật.
Cần đổi mới tư duy
Để giải quyết các thách thức đối với ngành Y tế hiện nay và trong nhiều năm tới, Tổng Bí thư đã đưa ra một số nội dung.
Một là, cần đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế. Y tế không chỉ là khám, chữa trị cho người bệnh, mà cần hơn, đó là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để hạn chế bệnh tật; cần tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ; tăng cường năng lực cho sức khỏe sinh sản, nhi khoa và lão khoa; tăng cường y tế cộng đồng; tăng cường số lượt người dân được đến các cơ sở y tế thăm, khám sức khỏe hàng năm hoặc mỗi nửa năm.
Hai là, nâng cao y đức trong cán bộ y tế, theo Tổng Bí thư, ngoài thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành y thì mỗi thầy thuốc, bác sỹ, cán bộ công nhân viên ngành y tế ngoài làm thật tốt chuyên môn thì cần nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh; tôn trọng quyền và nhân phẩm của bệnh nhân; trung thực, khách quan trong thực hành công việc; luôn học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, để thực sự là “Mẹ hiền” trong con mắt bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Ba là, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; bảo đảm y tế cơ sở có đủ bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người dân khám chữa bệnh tại địa phương thay vì đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên. Nâng cao hiệu quả của các chương trình tiêm chủng và y tế dự phòng, mở rộng độ bao phủ của chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh nhiệm vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân thì cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu để hạn chế bệnh tật.
Giảm tải bệnh viện tuyến trên và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh. Tổng Bí thư yêu cầu cần tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại các địa phương để giảm áp lực cho bệnh viện lớn.
Bốn là, cải thiện chính sách đãi ngộ và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao. Bộ Y tế cần sớm có đề xuất cụ thể để cải thiện mức lương và chế độ phụ cấp cho bác sĩ, y tá, đặc biệt tại vùng khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên y khoa cam kết làm việc tại y tế cơ sở sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, cần chú trọng thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế…
Năm là, cải cách tài chính y tế và bảo đảm sự bền vững của quỹ bảo hiểm y tế. Cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế để hỗ trợ người yếu thế, bảo đảm các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có bảo hiểm y tế toàn diện; đồng thời cải thiện danh mục chi trả bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Sáu là, hoàn thiện pháp luật y tế. Xây dựng chiến lược tổng thế chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe cộng đồng (hoàn thiện luật phòng bệnh, luật khám chữa bệnh, luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, luật thuốc chữa bệnh, luật đông y, luật dân số, luật an toàn thực phẩm, luật thể dục thể thao...).
Ngành y tế Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò trong việc chung tay giải quyết những thách thức y tế mang tính toàn cầu. Ảnh: SK&ĐS
Bảy là, cần sớm khắc phục bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc và thiết bị y tế. Đây không chỉ là vấn đề của ngành y tế mà còn của hệ thống chính trị. Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao ở các bệnh viện tư không có tình trạng này? Đây cũng là một “điểm nghẽn” về thể chế mà chúng ta cần khắc phục sớm, không để ảnh hưởng đến vận hành của ngành y tế, đến chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tám là, phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Y học cổ truyền có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong điều trị bệnh mãn tính và phục hồi chức năng.
Chín là, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám chữa bệnh. Cần thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các bệnh viện và cơ sở y tế. Cần tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh, đồng thời đầu tư phát triển các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong việc ra quyết định điều trị, tăng độ chính xác trong chẩn đoán bệnh. Cần tăng cường ứng dụng AI trong chẩn đoán thông minh; ghép tạng; phát triển công nghệ tế bào gốc; kỹ thuật Gen trị liệu; phẫu thuật Robot; công nghệ in 3D nhằm cá nhân hóa thiết bị y tế cho y học cá thể hóa...
Mười là, nâng cao công tác y tế cộng đồng, tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân, phát triển phong trào rèn luyện thể lực.
Mười một là, công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống bệnh tật: trong “thế giới phẳng” hiện nay, hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh, trong chữa trị bệnh là một phần quan trọng trong chiến lược y tế toàn cầu. Trong đó tập trung vào chia sẻ thông tin dữ liệu dịch tế (tình hình dịch bệnh, nguồn gốc, diễn biến, biện pháp ứng phó, phối hợp giám sát, cảnh báo sớm...); hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp y tế; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, hợp tác trong sản xuất, phân phối thuốc, Vắc xin; xây dựng chính sách và khung pháp lý chung, tăng cường năng lực ứng phó khẩn cấp khu vực và quốc tế, trước mắt tập trung hợp tác với các nước trong khu vực, các cường quốc y tế...
Mười hai là, công tác vệ sinh môi trường sống, tinh thần lành mạnh, không bi quan, tiêu cực, không sử dụng chất kích thích, gây nghiện... Ngoài phấn đấu mọi gia đình, khu dân cư, cộng đồng đều “Sáng- Xanh-Sạch-Đẹp” thì ngành y tế rất cần có các chương trình góp phần cùng các đơn vị chức năng khác giáo dục cộng đồng về giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; xử lý rác thải, đảm bảo nguồn nước, nguồn không khí không ô nhiễm; vệ sinh thực phẩm và ăn uống hợp vệ sinh; kiểm soát côn trùng và động vật gây bệnh; cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân và cộng đồng...
Mỵ Châu - Ngọc Nga