Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết đã hay, đừng để thực hiện 'từ hy vọng trở thành thất vọng'

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết đã hay, đừng để thực hiện 'từ hy vọng trở thành thất vọng'
8 giờ trướcBài gốc
Chiều 20/1, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Hoàng Phong.
Tôi rất sốt ruột
Phiên họp nhằm thảo luận, góp ý về: Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo; Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên; Đề xuất thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và Tổ công tác giúp việc của Ban Chỉ đạo; xin chủ trương xây dựng Bộ chỉ số giám sát thực hiện Nghị quyết 57.
Gợi mở một số vấn đề, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, vừa qua, Nghị quyết 57 được ban hành, sau đó tổ chức Hội nghị Toàn quốc về triển khai Nghị quyết 57; công bố thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 57 được đông đảo Nhân dân, nhà khoa học... đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua quan sát cho thấy, có sự đón nhận, ủng hộ từ cả trong và ngoài nước, được coi như nghị quyết "khoán 10" trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết 57 được đông đảo Nhân dân, nhà khoa học... đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua quan sát cho thấy, có sự đón nhận, ủng hộ từ cả trong và ngoài nước, được coi như nghị quyết "khoán 10" trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư thông tin, nhiều nhà khoa học đã liên lạc, thể hiện tâm huyết, mong muốn đóng góp cho đất nước, bởi nhìn nhận Nghị quyết 57 đề cập đúng vấn đề, đáp ứng đúng mong mỏi của họ. Từ đó, Tổng Bí thư đặt vấn đề, phải làm sao đưa nghị quyết vào cuộc sống. "Vai trò của Ban Chỉ đạo, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo là rất lớn, là đầu não kết nối các cơ quan trong cả hệ thống chính trị để giải quyết các điểm nghẽn đã được chỉ ra", Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư nói, năm 2025 có vai trò rất quan trọng, vì thế, phải giải quyết được những vấn đề mang tính nền tảng để triển khai Nghị quyết 57. Tổng Bí thư chia sẻ, ông nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan vấn đề khoa học công nghệ. Vì thế, phải triển khai công việc nhanh để không cản trở sự phát triển.
"Nếu chờ ăn Tết xong, cùng với triển khai tổng kết Nghị quyết 18 nữa, thì chưa bắt tay vào việc gì cả. Bản thân tôi rất sốt ruột, đặc biệt là 3 vấn đề về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đây là các vấn đề cốt lõi, phải ưu tiên trước. Nếu năm 2025 không tạo đột phá về 3 vấn đề này thì mục tiêu đến năm 2030 không đạt được. Vì vậy, năm 2025 rất có ý nghĩa, phải thống nhất nhận thức như vậy", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hoàng Phong.
Nghị quyết đã hay, đừng để thực hiện 'từ hy vọng trở thành thất vọng'
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách như hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ. Tổng Bí thư kể, TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN có nói, rào cản phát triển rất nhiều, trước đây vướng không đi được; giờ tháo gỡ được rào cản thì sẽ đi nhanh hơn, không còn vướng gì nữa.
Tổng Bí thư nêu quan điểm chung là phát huy vai trò cá nhân, từng thành viên và tận dụng những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, những sáng tạo từ cơ sở, đảm bảo các giải pháp mang tính thực tiễn, khoa học cao. Kể cả những vấn đề chính sách, những tư vấn chuyên môn sâu, kể cả những vấn đề cụ thể cũng phải tập trung vào giải quyết.
Theo Tổng Bí thư, tinh thần là "không chờ nhau", không để xảy ra tình trạng Ban Chỉ đạo chờ Chính phủ trình lên, hay là Chính phủ bảo chờ Ban Chỉ đạo có ý kiến... Tinh thần là phát huy cao nhất tính trách nhiệm. Ví dụ một cái máy giá trị lớn cần thiết để phục vụ phát triển khoa học công nghệ, nếu cứ chờ thì không ai giải quyết. Trên chờ dưới báo cáo đề xuất, dưới thì chờ trên chỉ đạo thế nào... thế là cứ để đấy. Với những vấn đề cụ thể, mang tính cấp bách thì phải tập trung xử lý ngay.
Tinh thần là "không chờ nhau", không để xảy ra tình trạng Ban Chỉ đạo chờ Chính phủ trình lên, hay là Chính phủ bảo chờ Ban Chỉ đạo có ý kiến.
Một vấn đề nữa, Tổng Bí thư yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo hành động thực chất, tránh hình thức; cần phối hợp chặt chẽ, không chồng chéo để đồng bộ trong chỉ đạo. Tránh tình trạng nghị quyết nói hay, nhưng đi vào chính sách, thể chế cụ thể thì rất khó, thành ra đang từ hy vọng trở thành thất vọng, trải thảm đỏ mời nhưng bước chân vào thì giẫm phải đinh ở dưới, không đi được. Tổng Bí thư yêu cầu quyết liệt không để chồng chéo, cản trở lẫn nhau, "quyền anh quyền tôi, lợi ích cá nhân cục bộ". Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Việc triển khai các nhiệm vụ, theo Tổng Bí thư phải quyết liệt, khẩn trương, đo lường được kết quả, gắn với trách nhiệm cá nhân.
Về chương trình công tác năm 2025, Tổng Bí thư bày tỏ đồng tình với đề xuất của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về 10 nhiệm vụ trọng tâm với 18 nhiệm vụ cụ thể.
Các thành viên Ban Chỉ đạo dự phiên họp. Ảnh: Hoàng Phong.
Nhấn mạnh thêm, Tổng Bí thư cho rằng, Thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nhiệm vụ phát sinh, ví dụ như các kỳ họp chuyên đề của Ban Chỉ đạo về triển khai chương trình công nghệ chiến lược, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn... Trong thực hiện, Ban Chỉ đạo cần lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo, tạo hiệu ứng đột phá, lan tỏa. Từng quý phải có nhiệm vụ cụ thể để đôn đốc, thúc đẩy.
"Vì sao hôm nay chúng ta phải họp rất khẩn trương, bởi nếu không họp được mà để sau Tết thì đã gần hết quý I rồi", Tổng Bí thư, nói.
Tháo gỡ thể chế để không còn bị bó buộc
Nêu cụ thể các nhiệm vụ với các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần xem xét xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 57. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu trình Ban Bí thư hướng dẫn kiện toàn bố trí cán bộ có trình độ về khoa học công nghệ trong cấp ủy các cấp. Ban Cán sự đảng Chính phủ rà soát các quy hoạch về năng lượng, tài nguyên... để đáp ứng nhu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết 57.
Theo Tổng Bí thư, cần xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về Việt Nam. Tổng Bí thư đặt vấn đề, không phân biệt tư nhân hay Nhà nước, cứ thu hút về là được. Vì thế, cần nghiên cứu để thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Tổng Bí thư nêu, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng có hình thức phù hợp để phát động phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị - xã hội. Nghiên cứu đề xuất phương án quản lý tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Tổng Bí thư nêu dẫn chứng, có những nhà khoa học mất 50% thời gian vào việc thanh toán, thậm chí phải "nói dối" để hợp pháp hóa hóa đơn, chứng từ thì không còn thời gian để nghiên cứu.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh, có kế hoạch xây dựng đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao, nhân tài khoa học công nghệ. Có cơ chế tập hợp, thu hút đội ngũ này để huy động sức mạnh, đóng góp cho sự phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận phiên họp. Ảnh: Hoàng Phong.
Đặc biệt, Tổng Bí thư cho rằng, Chính phủ cần phối hợp với Quốc hội đảm bảo hoàn thiện sửa đổi một số bộ luật, đặc biệt là các luật gốc, như: Luật Khoa học công nghệ, Luật Ngân sách để không bị ách tắc, bởi nếu tắc là tắc hết. "Đó chính là tháo gỡ thể chế. Nhìn ra xung quanh thấy buộc tay buộc chân hết, đụng vào cái là bị siết lại, không thể múa may được", Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Công an sớm phát triển hệ sinh thái Đề án 06, Trung tâm dữ liệu quốc gia, sớm đưa các tiện ích phục vụ người dân doanh nghiệp, sớm đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả; đẩy nhanh kết nối dữ liệu các lĩnh vực quan trọng; toàn bộ các thủ tục hành chính phải thực hiện phi địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh...
Bộ TT&TT cần sớm chỉ đạo triển khai mạng băng thông rộng 5G trên toàn quốc gắn với việc đẩy mạnh internet vệ tinh để đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số. Tổng Bí thư lưu ý, không được để ách tắc trên môi trường mạng. "Trước ách tắc giao thông trên đường, giờ ách tắc trên mạng thì rất thất vọng", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cũng nói về việc ban hành chương trình phát triển công nghệ chiến lược; bố trí ngân sách phục vụ đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57; ban hành chế độ chính sách hợp tác công tư trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Về Hội đồng tư vấn quốc gia, Tổng Bí thư lưu ý, phải đảm bảo sự cân đối giữa các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đại diện doanh nghiệp. Ưu tiên người có uy tín, có thành tựu nghiên cứu nổi bật, có khả năng đưa ra khuyến nghị chiến lược. Theo Tổng Bí thư, việc có đại diện doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ giúp các khuyến nghị phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ chuyển đổi sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hóa, làm con đường từ nghiên cứu đến thị trường ngắn lại.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, có thể mời thêm chuyên gia người gốc Việt Nam có uy tín trong cộng đồng thế giới, để học hỏi những kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đặc biệt các lĩnh vực mũi nhọn như: Trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, dữ liệu lớn...
Trường Phong
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tong-bi-thu-to-lam-nghi-quyet-da-hay-dung-de-thuc-hien-tu-hy-vong-tro-thanh-that-vong-post1711069.tpo