Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải vượt qua tâm lý vùng miền, hướng tới 'đất nước là quê hương'

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải vượt qua tâm lý vùng miền, hướng tới 'đất nước là quê hương'
3 ngày trướcBài gốc
Ngày 16.4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Đất nước là quê hương
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12.4.2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung là 2 nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách.
Tổng Bí thư cho rằng về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau hội nghị là bắt tay thực hiện được ngay.
Tổng Bí thư nhấn mạnh phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một "cuộc cách mạng" về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này.
“Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài", phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng "quyền anh, quyền tôi", địa phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng yêu cầu triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan.
Trước ngày 30.6.2025, phải hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1.7.2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15.8.2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1.9.2025…
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, cần thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn "đất nước là quê hương".
Theo Tổng Bí thư, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển.
Tổng Bí thư lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: Thứ nhất là sáp nhập các xã, phường quá rộng như một "cấp huyện thu nhỏ" dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân. Thứ hai là sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh diện cán bộ thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng trong đợt sắp xếp này rất lớn. Chủ trương chung là trước mắt cơ bản bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như hiện có để bảo đảm ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế của từng cấp trong tổng thể biên chế chung của cả hệ thống chính trị.
“Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp”, Tổng Bí thư nói.
Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập. Phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội 14 - Nhân sự bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội 14 phải hội tụ "đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng" để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân.
“Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi”, Tổng Bí thư nói.
Về văn kiện đại hội đảng các cấp, Tổng Bí thư cho rằng đây là những vấn đề rất lớn, rất chiến lược. Sắp tới Trung ương sẽ bàn nhiều về mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam như thế nào?
Tổng Bí thư dẫn ví dụ, thế giới họ đi quá xa, họ đã có những nhà máy, bến cảng "không đèn" (hoạt động bằng robot, trí tuệ nhân tạo, tự động hoàn toàn, không còn người trực tiếp, làm được suốt ngày đêm, không giải lao, không ca kíp, không ngừng nghỉ… chỉ tính riêng về thời gian thì năng suất đã tăng gấp 3 - 4 lần), nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp, nguy cơ tụt hậu là thấy rõ; hoặc vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn tới như thế nào để có được nguồn nhân lực đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe, tầm nhìn cho đất nước phát triển giai đoạn tới? Nếu không lo ngay từ bây giờ thì khó có thể đạt được…
Tổng Bí thư yêu cầu coi trọng và tập trung nhiều hơn nữa cho công tác chuẩn bị văn kiện (một số nơi đang có biểu hiện xem nhẹ vấn đề này, chủ yếu tập trung cho phương án nhân sự).
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tong-bi-thu-to-lam-phai-vuot-qua-tam-ly-vung-mien-huong-toi-dat-nuoc-la-que-huong-231629.html