Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của Gia Lai

Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của Gia Lai
4 giờ trướcBài gốc
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng là “kim chỉ nam” để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung thực hiện nhằm tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh.
Trăn trở những vấn đề lớn
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư lo ngại về 6 chỉ tiêu nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt ra còn chưa đạt. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp so với bình quân chung cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững.
Mặt khác, một số chỉ số phát triển bị tụt lại so với các địa phương khác. Do vậy, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh cần quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được và có giải pháp cụ thể để sớm tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn nhằm tạo bước đột phá mới trên các lĩnh vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi các già làng, trưởng thôn và người lao động tiêu biểu ở các đơn vị thuộc Binh đoàn 15. Ảnh: Đ.T
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Gia Lai nằm ở trung tâm Tây Nguyên, rộng thứ 2 cả nước, đất đai phì nhiêu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng từ các cao nguyên đến thung lũng, sông suối, hồ và rừng nguyên sinh. Những điểm nổi bật này đã tạo tiền đề phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn cả về trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao cũng như ngành công nghiệp chế biến.
Tài nguyên du lịch phong phú với những danh lam thắng cảnh tự nhiên vẫn giữ được sự nguyên sơ nên hấp dẫn đặc biệt. Đáng chú ý, Gia Lai còn có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, làm tiền đề để thu hút đầu tư và phát triển giao thương.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu Đảng bộ tỉnh phải nỗ lực hơn và xác định quyết tâm cao, suy nghĩ lớn để tạo những nền tảng cần thiết trong năm 2025, vững tin bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng, kỷ nguyên vươn mình.
“Tôi cơ bản nhất trí với một số nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh đã đề ra. Chúng ta quyết tâm phát triển Gia Lai trở thành tỉnh khá của khu vực duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, phong phú, đặc sắc về vốn văn hóa, bền vững về mặt xã hội và môi trường, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”-Tổng Bí thư nêu định hướng.
Đặc biệt, sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành liên quan, Tổng Bí thư đặt câu hỏi vì sao hiện nay tại Gia Lai chỉ mới có 50% dự án điện gió được phát điện, còn 50% chưa được sử dụng. Đây là một sự lãng phí lớn nguồn lực đầu tư bởi các dự án đã hoàn thành từ rất lâu.
Tổng Bí thư cũng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu bố trí tối đa các dự án năng lượng tái tạo hoạt động sản xuất, từ đó đóng góp nguồn thu cho địa phương. Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo Bộ Công thương tính toán tổng năng lượng điện gió, điện mặt trời có khả năng phát triển của tỉnh Gia Lai để khai thác, tăng nguồn thu từ năng lượng tái tạo.
Trước những tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Tây Nguyên muốn phát triển cần giải quyết 2 vấn đề quan trọng, đó là “đất” và “nước”.
Trước đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên từng tổ chức hội nghị về vấn đề này. Tại hội nghị, một đại biểu của tỉnh Lâm Đồng cho biết: Với 1 ha đất, ông thu nhập đến 26 tỷ đồng từ việc trồng rau, hoa quả xuất khẩu sang Nhật Bản. Tổng Bí thư cũng dẫn chứng, ở tỉnh Đồng Tháp, người dân trồng cây ăn quả thu về 500 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh thì thu 600 triệu đồng/ha/năm, nuôi cá tra thu nhập 3-4 tỷ đồng/ha/năm.
Điều mà Tổng Bí thư trăn trở nhất là Gia Lai sở hữu diện tích sản xuất nông nghiệp lớn song hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. “Nếu người dân có 1 ha mà thu được 1 tỷ đồng/năm thì sẽ khác.
Đây là các gợi ý để tỉnh suy nghĩ biện pháp làm sao để cho người dân giàu lên từ mảnh đất của mình. Khi người dân giàu lên thì tiêu dùng sẽ tăng và Nhà nước sẽ thu các khoản thuế từ tiêu dùng. Phải tiếp cận học tập mô hình hay, đặt ra mục tiêu trồng cây gì để người dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha trở lên”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp cho tương lai
Cũng tại buổi làm việc, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Dự án cao tốc đường bộ Quy Nhơn-Pleiku triển khai trong năm 2025; nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku hay các dự án năng lượng tái tạo, chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su và khai thác tiềm năng về nông nghiệp, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tỉnh bám sát vào các nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách sâu sắc, toàn diện và bao trùm dựa trên 3 trụ cột chính: nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc dựa trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, ngành kinh tế mũi nhọn.
Để triển khai hiệu quả 3 trụ cột nêu trên, tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, thuận lợi, chi phí thấp; đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo, cải thiện hạ tầng giao thông kết nối đô thị, vùng động lực, vùng nguyên liệu, các trung tâm kinh tế, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng các ngành công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch.
Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân phát triển.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng có nhiều định hướng hỗ trợ tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Đó là tập trung nghiên cứu yêu cầu thị trường các nước trong khu vực; hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo để tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, gỗ.
Cùng với đó, có cơ chế hấp dẫn để các doanh nghiệp phát triển logistics nhằm phát huy tiềm năng nổi trội của địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống anh hùng, ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó và khát vọng phát triển, nhất định Gia Lai sẽ tạo ra những bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo những nền tảng vững chắc để đưa Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, toàn diện trong thời gian tới, Nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc, vững bước cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh”.
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án năng lượng tái tạo hoạt động có hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trước mắt, Bộ sẽ chủ động đề xuất với Chính phủ tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư.
Trong số 168 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Gia Lai có khoảng 7-8 dự án cần tháo gỡ, ngoài ra còn hàng chục dự án không nằm trong kết luận nhưng có các vướng mắc tương tự. Đề nghị tỉnh có kiến nghị sớm để Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét sớm tháo gỡ. Càng giải quyết sớm bao nhiêu thì nguồn lực đưa vào phục vụ kinh tế địa phương càng tốt bấy nhiêu”.
Đối với vấn đề chuyển đổi diện tích cao su không hiệu quả sang cây trồng khác, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan kiến nghị Tổng Bí thư lấy Gia Lai làm thí điểm để giải quyết vấn đề nhức nhối này. Bởi đây không chỉ là câu chuyện chuyển đổi ở Gia Lai mà của cả vùng Tây Nguyên.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh cần định hướng sau khi thực hiện việc chuyển đổi và định hình lại một mô hình nông nghiệp mới, hướng tới nền nông nghiệp xanh.
Ngành nông nghiệp tỉnh phải tích hợp trở thành tổ hợp lớn đa giá trị, liên kết đa ngành từ nông-công nghiệp-khoa học công nghệ đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp số, tuần hoàn; gắn nông nghiệp với du lịch trải nghiệm.
Liên quan đến việc quy mô các công trình thủy lợi lớn song diện tích tưới ở mức thấp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Gia Lai cấu trúc lại không gian sản xuất gắn với thủy lợi, đồng thời chuyển đổi mô hình nông nghiệp phù hợp với chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản.
Liên quan đến tình trạng “lụt thì vẫn lụt mà hạn hán thì vẫn rất gay gắt”, Tổng Bí thư dẫn chứng nhiều mô hình nông nghiệp, nông trường giải quyết tốt vấn đề nước tưới bằng việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước.
Đồng thời, Tổng Bí thư chỉ đạo các bộ liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương quản lý tốt các hồ, đập thủy lợi, điều tiết nguồn nước, tránh để xảy ra tình trạng thiếu nước…
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thực hiện tốt chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh; chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.
Mặt khác, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả.
MINH PHƯƠNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/tong-bi-thu-to-lam-quan-tam-sau-sac-den-su-phat-trien-cua-gia-lai-post309993.html