Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai nghe phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Phương Hằng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, sau hội nghị này, các cấp ủy tiếp tục quán triệt thấu đáo, kỹ lưỡng các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Đất nước là quê hương
Tổng Bí thư nêu 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên.
Trong đó, về 3 yêu cầu chung, Tổng Bí thư nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần đúng vai thuộc bài, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng quyền anh, quyền tôi, địa phương này với địa phương kia mà tất cả vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.
Các công việc được triển khai trên tinh thần vừa chạy, vừa xếp hàng nhưng thận trọng, bài bản, không nóng vội chủ quan, làm việc này phải tính đến việc khác và thực hiện đúng quy trình, quy định, không làm tắt, không làm ẩu; thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định.
Cụ thể, trước ngày 30-6-2025, hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập các xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025.
Hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1-9-2025. Hoàn thành đại hội Đảng bộ cấp xã trước ngày 31-8-2025 và hoàn thành đại hội cấp tỉnh trước ngày 31-10-2025.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV diễn ra quý I-2026. Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào tháng 3-2026.
Đối với 4 vấn đề cần lưu ý, Tổng Bí thư nêu rõ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển lâu dài của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã bàn, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt để đi đến thống nhất cao.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy. Ảnh: Đắc Nhân
Triển khai chủ trương này tác động đến tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đây là điều dễ hiểu vì mỗi người đều in sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình nhưng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước chúng ta phải thay đổi tư duy tầm nhìn, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước, vượt qua những khó khăn, thói quen tâm lý bình thường để hướng tới tầm nhìn lớn hơn: “Đất nước là quê hương”.
Việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, sáp nhập cấp xã không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội sàng lọc sắp xếp đội ngũ cán bộ thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ, lộ trình phải bảo đảm hài hòa, khoa học đúng Điều lệ Đảng, Hiến pháp và chỉ đạo của Trung ương, mạnh mẽ, quyết liệt, khoa học, nhân văn và có tầm nhìn xa, hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội phù hợp cho phát triển của địa phương và sự phát triển chung của đất nước.
Trước mắt, từ Trung ương đến địa phương tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, khơi dậy khí thế hào hùng của cả dân tộc năm xưa biến thành hành động để thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp bách mang tính cách mạng của Đảng, đất nước, toàn quân, toàn dân ngay từ ngày hôm nay.
Bộ máy mới phải hoạt động tốt hơn bộ máy cũ
Tổng Bí thư lưu ý, chính quyền địa phương sau khi sắp xếp phải đảm bảo hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, các mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại; tạo đà cho phát triển kinh tế, động lực cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân.
Trong sắp xếp cấp xã, khắc phục 2 khuynh hướng: sáp nhập cấp xã quá rộng như một cấp huyện thu nhỏ, dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không phục vụ được nhân dân; hoặc sáp nhập các xã, phường quá nhỏ dẫn đến hạn chế không gian phát triển, đầu mối nhiều, cồng kềnh kém hiệu quả.
Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các cơ quan Trung ương và địa phương sớm rà soát ban hành cơ chế chính sách chiến lược, các vấn đề có tính chất liên vùng, thống nhất trong toàn quốc và từng địa phương.
Không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn các hoạt động của cơ quan, đơn vị; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động thường ngày của người dân.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không tránh khỏi đến ảnh hưởng của đội ngũ cán bộ, chủ trương chung trước mắt bố trí biên chế cán bộ như số lượng đã có; sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, các đơn vị rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định bên chế từng cấp trong tổng biên chế chung của hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế. Hết sức công tâm khách quan trong bố trí cán bộ, không để xảy ra mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái trong bố trí sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính các cấp.
Về chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV phải đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách nhiệm vụ của đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, không có chỗ cho cơ hội bon chen, trung bình chủ nghĩa, lưng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân, những ai không thấy mình đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Tự nguyện đứng về phía sau vì sự nghiệp phát triển cũng là hình thức bản lĩnh, đáng tự hào, đáng được khen ngợi.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung xây dựng văn kiện đại hội thật sự có chất lượng, có tầm nhìn phát triển mới phù hợp tình hình của đất nước và thế giới.
Phương Hằng