Tổng Bí thư Tô Lâm: TP.HCM hướng tới quy mô như Thượng Hải, phát triển vượt bậc

Tổng Bí thư Tô Lâm: TP.HCM hướng tới quy mô như Thượng Hải, phát triển vượt bậc
một giờ trướcBài gốc
Sáng 21/4, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tại đây, Tổng Bí thư thông tin một số vấn đề được Nhân dân đặc biệt quan tâm, nhất là các chủ trương liên quan đến “quốc kế - dân sinh”, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong năm 2025 và công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và các năm tiếp theo.
Sáp nhập tỉnh, tạo động lực phát triển mới
Về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, Tổng Bí thư cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, cân nhắc nhiều chiều và đạt được sự thống nhất cao. Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ và xem đây là một cuộc cách mạng hành chính thực sự.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau khi sắp xếp, các tỉnh Nam Bộ (từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đắk Nông) sẽ được tổ chức lại từ 22 tỉnh, thành phố xuống còn 9 tỉnh, thành phố.
Cách làm này nhằm mở rộng không gian phát triển đa dạng về tự nhiên, kinh tế và văn hóa; đồng thời khai thác tối đa lợi thế không gian biển, tạo sự liên thông giữa núi rừng - đồng bằng - biển đảo; từ đó bổ sung, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau để phát triển, nhưng vẫn giữ được bản sắc vùng miền. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ để một số địa phương có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là cộng dồn đơn thuần mà là sự hội tụ sức mạnh để “hai cộng hai lớn hơn bốn”. Các cụm như Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, hay Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long sẽ hình thành 2 tỉnh mới có thế “kiềng ba chân” vững chắc, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển phồn thịnh.
Người dân các tỉnh như Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang mới sẽ trở thành những người dân có biển, có núi rừng. Tây Ninh sẽ có cửa sông lớn nối ra biển. Người vùng cao Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và người đồng bằng Đồng Tháp, Đồng Nai, Vĩnh Long giờ đây đều trở thành những “người dân có biển”.
TP.HCM mở rộng, đầu tàu phát triển vùng
Tổng Bí thư nhấn mạnh, để “TP.HCM rực rỡ tên vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, đoàn kết và thống nhất cao hơn nữa. Thành phố cần chủ động, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Khi thử hỏi AI về quy mô của TP.HCM trong tương lai, câu trả lời được đưa ra là thành phố sẽ có quy mô tương tự như Thượng Hải (Trung Quốc), Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta cần phấn đấu để hình thành một trung tâm tầm cỡ như vậy, từ đó tạo ra sự phát triển vượt bậc cho thành phố và cả đất nước".
Tổng Bí thư chia sẻ thêm, việc xây dựng TP.HCM trở thành động lực phát triển mạnh mẽ yêu cầu một quyết tâm chính trị cao, sự sáng tạo, năng động hơn nữa, cũng như khả năng chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, duy trì ổn định chính trị và xã hội. Mục tiêu là phát triển TP.HCM nhanh và bền vững, vượt trội về chất lượng và tốc độ so với các địa phương khác có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời tạo tiền đề hình thành thêm các trung tâm kinh tế lớn của đất nước trong tương lai.
Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nhiều chủ trương và chính sách mới của Đảng đều xuất phát từ TP.HCM, và thành phố cần duy trì vai trò này, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo không chỉ cho khu vực mà còn cho cả nước.
“Không ai có lợi thế hơn TP.HCM để thực hiện điều này”, Tổng Bí thư nói và yêu cầu thành phố phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại, giữ vai trò đầu tàu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đóng góp lớn cho cả nước. Trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ phối hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
TP.HCM mở rộng sẽ không chỉ bao gồm khu vực hiện hữu và các địa phương giáp ranh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, mà còn gắn kết chặt chẽ với Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... nhằm tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương để hình thành một chỉnh thể mới vượt trội hơn tổng các thành phần.
TP.HCM mới sẽ trở thành đầu tàu phát triển, lan tỏa mạnh mẽ đến toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; trở thành siêu đô thị quốc tế, trung tâm liên kết toàn diện giữa thành phố và vùng, nơi các tỉnh phía Nam không chỉ “đồng hành”, mà còn đóng vai trò là đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế - xã hội - văn hóa chung.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam.
Tổng Bí thư lưu ý, trong quá trình sáp nhập tỉnh, cần phát huy tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao từ tất cả các địa phương; việc bố trí cán bộ phải hài hòa, đoàn kết, lựa chọn được người có năng lực, kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.
Cần xây dựng hệ thống quy hoạch phát triển không gian liên thông, đồng bộ và hiện đại, bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, đô thị, công nghiệp… không chỉ trong từng đơn vị hành chính mới mà còn liên kết với toàn vùng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần thống nhất hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính bằng cách xây dựng bộ quy chuẩn chung, hài hòa, kế thừa và nâng cấp từ thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời, phải rà soát toàn bộ quy định hiện hành, bảo đảm tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong và ngoài đơn vị hành chính mới.
Việc quản lý đất đai, tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, nhằm ngăn chặn thất thoát, lợi ích nhóm. Cần lắng nghe, giải thích, đối thoại, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và các địa phương, làm cho mọi người hiểu đúng, tin tưởng và tự hào, tích cực tham gia quá trình cơ cấu đơn vị hành chính mới như một cơ hội chung.
Tổng Bí thư yêu cầu, sau sáp nhập, phải hình thành một không gian phát triển liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa khu vực cũ và mới, về quy hoạch không gian, tài chính, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quản lý đô thị. Đồng thời, thiết lập các cơ chế phối hợp vùng để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài cho toàn vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Ngân sách và nguồn lực đầu tư cần được phân bổ hợp lý, hiệu quả, ưu tiên hạ tầng liên vùng, dịch vụ công chất lượng cao; khuyến khích sự tham gia đầu tư liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phía Nam.
Cùng với đó, phải chăm lo toàn diện an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, đặc biệt tại các địa bàn mới sáp nhập, địa phương khó khăn; bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên, môi trường sinh thái, nhất là ở các tỉnh có rừng và biển. Phát triển phải hài hòa, bền vững giữa kinh tế, xã hội và môi trường, vì hôm nay và mai sau.
Phát triển kinh tế bền vững, mục tiêu quan trọng của đất nước
Báo cáo trước các đại biểu về tình hình phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chấp hành Trung ương đã xác định cho thời gian tới. Trọng tâm đầu tiên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự trong nước và khu vực.
“Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta càng nhận thức rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh là rất quan trọng, quyết định sự phát triển của đất nước”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng, trở thành niềm tin, chỗ dựa vững chắc của Nhân dân. Đảng cần tạo sự đoàn kết, thống nhất toàn dân, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, mạnh mẽ, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp hình cùng các đại biểu.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đảm bảo không bị động hay bất ngờ trong bất cứ tình huống nào. Ngoài ra, nhiệm vụ cuối cùng là xây dựng đường lối đối ngoại nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đảm bảo cho người dân được sống trong hòa bình.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thông tin về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Theo đó, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển với nền công nghiệp hiện đại vào cuối nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng thu nhập bình quân đầu người lên ít nhất 20.000 USD, trong khi hiện tại con số này là gần 5.000 USD.
"Chỉ còn 20 năm nữa để hoàn thành mục tiêu 100 năm Nhà nước phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta phải phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người là 5.000 USD trong nhiệm kỳ này và tăng thêm 15.000 USD trong 20 năm tới", Tổng Bí thư phân tích.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, nếu nền kinh tế không đạt tăng trưởng hai con số liên tục trong nhiều năm, mục tiêu này sẽ không thể hoàn thành. Vì vậy, đất nước chỉ có một con đường duy nhất: phát triển nhanh, bền vững, không thể chậm trễ, và cần phải tập trung nguồn lực để đạt được những mục tiêu đề ra.
Lòng yêu nước và hy sinh của những người lính Cụ Hồ
Cũng tại buổi họp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm lời tri ân tới những người đã tham gia chiến đấu, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì ngày thống nhất của đất nước.
Theo Tổng Bí thư, những người lính Cụ Hồ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy để viết nên những trang sử vàng trong cuộc kháng chiến trường kỳ, làm nên “dáng đứng Việt Nam” trong dòng chảy thời đại. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường, các anh hùng đã vượt qua mất mát, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Nhiều người đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc chí Nam, từ núi cao đến biển rộng, từ Tây Nguyên đến đồng bằng ven biển.
"Dấu chân của các đồng chí in đậm trên khắp nẻo đường Tổ quốc - người Bắc vào Nam, người Nam ra Bắc. Có những đồng chí trở về mang trên mình thương tích, bệnh tật, ký ức chiến tranh còn in hằn trong tâm trí. Nhiều người tiếp tục cống hiến thầm lặng trong thời bình, từ công tác xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giáo dục thế hệ trẻ", Tổng Bí thư bày tỏ.
Tổng Bí thư khẳng định, các chặng đường lịch sử của đội quân cách mạng chính là bản anh hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo tàng Quân sự Việt Nam nhằm lưu giữ lâu dài hàng trăm ngàn hiện vật, tư liệu lịch sử liên quan đến quá trình hình thành, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ Chính trị cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến khánh thành vào dịp Đảng tròn 100 tuổi (3/2/2030), trở thành nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử trọng đại của Đảng.
Hoàng Thọ
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/tong-bi-thu-to-lam-tp-hcm-huong-toi-quy-mo-nhu-thuong-hai-phat-trien-vuot-bac-ar938976.html