Ngày 13-2, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp bất thường lần thứ 9, một số đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ quan thanh tra trên cả nước. Phát biểu về nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết đây là vấn đề Bộ Chính trị đang xem xét.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ ngày 13-2. Ảnh: Phạm Thắng
Tổng Bí thư nêu rõ hệ thống thanh tra hiện nay hoạt động không hiệu quả. "Thanh tra Chính phủ hiện chỉ có khoảng 400 người nhưng hoạt động hiệu quả gấp 1.000 lần so với hệ thống thanh tra còn lại. Như vậy, hệ thống thanh tra chuyên ngành, thanh tra tỉnh, huyện đang làm gì, hay chỉ có vụ việc gì rồi xuống thanh kiểm tra, xử phạt và cho tồn tại"- Tổng Bí thư đặt vấn đề.
"Cũng có ý kiến cho rằng lãnh đạo, quản lý mà không có thanh tra thì không đủ chức năng lãnh đạo, quản lý. Nhưng chúng ta phải tính toán thế nào để không có thanh tra nhưng vẫn có quyền kiểm tra, đánh giá"- Tổng Bí thư cho hay.
Theo Tổng Bí thư, thực tế hiện nay là có một vụ việc gì thì đưa một đoàn thanh tra đến làm việc, nhưng đó không phải là bản chất của ngành thanh tra, cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư cho rằng bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra hiện nay lớn, gây tốn kém chi phí trong khi hiệu quả không đáp ứng được yêu cầu.
"Như thanh tra ngành giáo dục, hiện có mấy ngàn thanh tra, thì nuôi bộ máy này cũng là vấn đề"- Tổng Bí thư thư nêu thực tế và cho rằng sắp xếp bộ máy phải tính đến tính hiệu lực, hiệu quả, không phải duy trì bộ máy để "dọa nạt chỗ này, chỗ kia" là không được.
Tổng Bí thư yêu cầu phải nhìn thẳng vào thực tế để khắc phục các bất cập, sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải thực sự phục vụ nhân dân.
Trước đó, vào ngày 10-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo để bàn về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo đánh giá bộ máy của ngành thanh tra hiện nay còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối bên trong; hiệu quả, hiệu lực chưa tương xứng số lượng công chức.
Hoạt động của ngành thanh tra còn chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan trong thực thi công vụ ở thanh tra cấp bộ, ngành; thanh tra theo ngành, lĩnh vực và theo cấp hành chính còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, giao thoa.
Từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo cho rằng cần phải tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra của ngành thanh tra tập trung, thống nhất, chuyên nghiệp theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Căn cứ thực tiễn, mục tiêu, nguyên tắc của việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, qua thảo luận tại phiên họp, đã đề xuất tổ chức bộ máy ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương (cấp tỉnh).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Cùng với đó, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tố chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Việc sắp xếp ngành thanh tra phải bảo đảm mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra. Đồng thời, cần có kế thừa và đổi mới, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn theo 2 cấp.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc sắp xếp phải khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra như hiện nay. Đồng thời rà soát, đánh giá, lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, tinh thông nghiệp vụ để bố trí, sắp xếp vào đội ngũ làm công tác thanh tra.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TTCP, Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét; chuẩn bị trình Quốc hội sau khi Bộ Chính trị đã cho ý kiến.
Minh Chiến - Văn Duẩn