Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có các cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Sonexay Siphandone.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ đau xót trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone và gửi tới các lãnh đạo cấp cao Lào, toàn thể nhân dân Lào và gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone là lãnh đạo kiệt xuất thuộc thế hệ đầu tiên gây dựng cách mạng Lào, lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trước đây và sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, nhà lãnh đạo tiên phong trong việc triển khai đường lối đổi mới toàn diện của Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Ông Khamtay Siphandone còn là người bạn thủy chung, tình nghĩa, son sắt, người đồng chí thân thiết, gắn bó, luôn kề vai sát cánh với Việt Nam trong suốt chặng đường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước của hai dân tộc.
Sự ra đi của ông Khamtay Siphandone là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm thông báo để tri ân sự đóng góp của ông Khamtay Siphandone cho sự phát triển mối quan hệ gắn bó, bền chặt Việt Nam – Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định sẽ tổ chức quốc tang.
Các lãnh đạo cấp cao của Lào chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã chia buồn về việc nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone từ trần và bày tỏ xúc động khi Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới dự lễ viếng và Việt Nam quyết định tổ chức quốc tang.
Việc này thể hiện mối quan hệ truyền thống vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung gắn bó giữa hai nước cũng như tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Việt Nam.
Đây là sự động viên và chia sẻ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào.
Thay mặt gia quyến ông Sonexay Siphandone chân thành cảm ơn và đánh giá cao Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là đoàn đầu tiên đã sang chia buồn với Đảng, Nhà nước Lào và gia đình...
Tổng Bí thư Tô Lâm ghi sổ tang nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone. Ảnh: TTXVN
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Lào đã cùng ôn lại sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone kể từ khi ông tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt là các hoạt động gắn bó với cách mạng Việt Nam, gắn bó với các bậc lãnh đạo tiền bối cách mạng Việt Nam và khẳng định đây là những biểu hiện sinh động của sự gắn bó keo sơn, thủy chung hiếm có giữa hai Đảng, hai Nhà nước và sự nghiệp cách mạng hai dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith . Ảnh: TTXVN
Các lãnh đạo cấp cao Lào khẳng định mặc dù nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone đã rời xa, nhưng những thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Lào sẽ tiếp tục cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam củng cố, vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công xây dựng, ngày càng phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Lào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chủ tịch Khamtay Siphandone sinh ngày 8/2/1924 trong một gia đình có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương, tại khu vực thuộc tỉnh Siphandone (nay là tỉnh Champasak).
Trong sự nghiệp cách mạng, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng, từ đại biểu Chính phủ Lào Itxala khu vực Nam Lào, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu vực miền Trung rồi Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào Itxala và Mặt trận Lào yêu nước, Ủy viên Trung ương Đảng.
Ông được phong quân hàm Đại tướng và trở thành người đứng đầu Quân giải phóng nhân dân Lào, tiếp đến là Quân đội nhân dân Lào, Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Thủ tướng và sau đó là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Lào cho đến khi về hưu năm 2006.
Trần Thường