Tổng công ty Ba Son: Ứng dụng công nghệ, sáng kiến thúc đẩy giá trị ngành đóng tàu

Tổng công ty Ba Son: Ứng dụng công nghệ, sáng kiến thúc đẩy giá trị ngành đóng tàu
11 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Ngọc Phụng, Trưởng phòng Thiết kế Công nghệ cho biết: "Phòng thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ từ nghiên cứu và phát triển, thiết kế, tư vấn đến đào tạo, chuyển giao công nghệ. Điểm chung nhất của cán bộ, nhân viên phòng là sự bản lĩnh, luôn đau đáu tìm kiếm giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của tổng công ty".
Khi được hỏi về thành tựu mới nhất của phòng, Trung tá Trần Ngọc Phụng phấn khởi chia sẻ về việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị sinh hàn cho máy điều hòa Klimat 125 của tàu quân sự. Trước đây, thiết bị trao đổi nhiệt này phải nhập khẩu từ nước khác với chi phí cao nhưng tuổi thọ sử dụng không ổn định, dễ hỏng hóc do điều kiện khí hậu Việt Nam nóng ẩm, khắc nghiệt.
“Anh em kỹ thuật rất trăn trở cho tổng công ty vì mỗi lần nhập thiết bị rất tốn kém, tốn thời gian chờ đợi. Trước thách thức của thực tiễn, chúng tôi đặt quyết tâm phải nghiên cứu “nội địa hóa” thiết bị này để chủ động hơn trong sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa. Và đó là động lực để thiết bị sinh hàn cho máy điều hòa Klimat 125 ra đời, mang thương hiệu của Ba Son”, anh Phụng chia sẻ.
Phòng Thiết kế Công nghệ, Tổng công ty Ba Son góp phần thúc đẩy sáng kiến làm gia tăng giá trị ngành công nghiệp đóng tàu.
Là chủ nhiệm của đề tài này, Thượng tá Hồ Việt Hưng, Phó trưởng phòng Thiết kế Công nghệ cho biết anh và đội ngũ kỹ sư của phòng bắt đầu quá trình nghiên cứu toàn diện trên những thiết bị sự cố từ tháo lắp các mẫu thiết bị cũ, mô phỏng nguyên lý hoạt động, phân tích điều kiện môi trường hoạt động, tìm ra nguyên nhân bị hư hỏng đến việc đề xuất thiết kế mới. “Cán bộ, kỹ sư của phòng đã nghiên cứu, đánh giá từng chi tiết nhỏ nhất, cải tiến từng milimet để thay đổi phù hợp với nhu cầu tại Việt Nam và tiết kiệm nguyên liệu nhất có thể. Sản phẩm này sau đó trở thành đề tài khoa học cấp bộ và hiện vẫn đang được ứng dụng hiệu quả trong ngành công nghiệp đóng tàu quân sự”, anh Hưng cho biết.
Thành công của việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị sinh hàn cho máy điều hòa Klimat 125 của tàu quân sự không chỉ là kết quả của năng lực chuyên môn, còn tinh thần cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền công nghiệp đóng tàu của Tổng công ty Ba Son nói chung, phòng Thiết kế Công nghệ nói riêng. Qua đó, khẳng định vai trò chủ động của đội ngũ kỹ sư Quân đội trong thời đại công nghệ cao đã nỗ lực năng lực nội địa hóa các thiết bị quan trọng của ngành.
Tổng công ty Ba Son luôn nỗ lực đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu.
Thời gian qua, Phòng Thiết kế Công nghệ cũng tiên phong đề xuất ứng dụng phần mềm thiết kế 3D Ship Constructor trong thiết kế thi công đóng mới tàu, giúp Tổng công ty Ba Son đột phá mạnh về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế. Trước đây, khi Ba Son chưa ứng dụng công nghệ 3D vào công tác thiết kế, sản xuất, việc triển khai thi công mất nhiều thời gian, tiêu hao vật tư lớn, thời gian thi công kéo dài, nhiều lỗi kỹ thuật thường xuyên xảy ra vì chưa kiểm soát được va chạm. Từ khi ứng dụng phần mềm thiết kế 3D Ship Constructor, năng suất lao động, tiến độ và chất lượng sản phẩm đã tăng rõ rệt, đặc biệt là mảng thi công kết cấu và thi công ống trên tàu. Công nghệ này đã thay đổi căn bản phương thức sản xuất của nhiều xí nghiệp của Tổng công ty Ba Son.
Tại Tổng công ty Ba Son, nhiều sáng kiến, nhiệm vụ khoa học công nghệ mang nhiều nét ưu việt, đáp ứng tốt yêu cầu của ngành đóng tàu hiện nay như: “Ứng dụng công nghệ PLC thiết kế, chế tạo hệ thống tay chuông truyền lệnh, bộ chỉ bảo xả CO2 trên tàu DQTT”, “Cải tiến luy-nét trên máy tiện 8m dùng cho máy tiện 15m”, “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo khuôn và đồ gá để gia công cụm ống đạo lưu chân vịt mũi trên tàu CF3850 và các tàu quân sự, tàu kinh tế có kết cấu tương tự”… Chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2024, tổng công ty đã thực hiện 8 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, thực hiện 55 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi hơn 17 tỷ đồng.
Các thế hệ cán bộ, kỹ sư trẻ luôn nỗ lực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để phát huy thương hiệu của Tổng công ty Ba Son.
Với khát vọng vươn xa, Phòng Thiết kế Công nghệ tiếp tục triển khai nhiều dự án nghiên cứu khoa học quan trọng về hệ thống động lực tàu quân sự, đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống động lực của riêng Việt Nam, có thể áp dụng sâu rộng trong ngành công nghiệp đóng tàu. Trung tá Trần Ngọc Phụng chia sẻ: “Tự động hóa, chuyển đổi số và công nghệ lõi sẽ là những trụ cột trong thời gian tới. Phòng Thiết kế Công nghệ đang dần ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào các khâu thiết kế và vận hành, kiểm soát thiết bị. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo Tổng công ty Ba Son những giải pháp các chiến lược phát triển khoa học công nghệ cho tổng công ty và ngành”.
Cùng với việc đóng mới tàu quân sự, Tổng công ty Ba Son còn sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho nhiều loại tàu quân sự, đóng mới và sửa chữa các loại tàu kinh tế phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tổng công ty còn tham gia thi công, nâng cấp các nhà giàn trên biển, gia công kết cấu siêu trường, siêu trọng, sản xuất sơn tàu biển và sơn công nghiệp các loại… Hiệu quả hoạt động của phòng Thiết kế Công nghệ đã góp phần vào thành tưu chung của tổng công ty, đã khẳng định khả năng, trí tuệ và tinh thần sáng tạo của người lính thợ Ba Son trong thời kỳ mới.
Bài và ảnh: HÙNG KHOA - HÀ THU
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tong-cong-ty-ba-son-ung-dung-cong-nghe-sang-kien-thuc-day-gia-tri-nganh-dong-tau-838763