Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex: Lao dốc liên tiếp trước áp lực cạnh tranh

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex: Lao dốc liên tiếp trước áp lực cạnh tranh
2 ngày trướcBài gốc
Áp lực cạnh tranh lớn
Những năm qua, đầu tư công được đẩy mạnh, khối lượng công việc tăng lên, nhưng bức tranh kinh doanh của nhóm doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng lại không được như kỳ vọng.
Kết thúc năm 2024, Hóa dầu Petrolimex - CTCP ghi nhận doanh thu 6.931,74 tỷ đồng, giảm 12,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 43,22 tỷ đồng, giảm 57,6%; biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,19% về 11,87%.
Nhìn lại, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận 174,47 tỷ đồng vào năm 2021, lợi nhuận của Hóa dầu Petrolimex liên tục suy giảm, mức giảm trong các năm 2022 và 2023 lần lượt là 32,96% và 12,86%; năm 2024 giảm mạnh nhất, với 57,6%.
Tại Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex năm 2025, ông Trần Tuấn Linh, thành viên HĐQT chia sẻ về khó khăn khi hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc vào đầu tư công, hạ tầng, công nghệ chế biến chế tạo và nhu cầu tiêu dùng xăng dầu toàn thị trường.
Dù vậy, trong quý I/2025, Hóa dầu Petrolimex ghi nhận doanh thu tăng 19,6%, đạt 1.911,57 tỷ đồng; lợi nhuận ròng tăng 105,7%, đạt 31,51 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,7% lên 13%. Tuy nhiên, lãi quý I/2025 tăng chủ yếu do nền lợi nhuận quý I/2024 thấp.
Hóa dầu Petrolimex đang chiếm 28 - 30% thị phần nhựa đường, khoảng 14% thị phần dầu nhờn và khoảng 25% thị phần hóa chất tại Việt Nam. Năm 2024, lĩnh vực nhựa đường đóng góp 44,9% tổng doanh thu của Hóa dầu Petrolimex và quý I/2025 đóng góp 48,1% tổng doanh thu.
Theo Công ty Chứng khoán BSC, mảng nhựa đường đang đứng trước áp lực cạnh tranh lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ, còn mảng dầu mỡ nhờn và hóa chất thì cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa. Công ty Chứng khoán DSC cũng chỉ ra, nguồn cung nhựa đường trên thế giới đang dư thừa.
Ban lãnh đạo Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex giải thích rằng, sản lượng tiêu thụ và doanh thu mảng nhựa đường sụt giảm trong năm 2024 do nhu cầu thị trường giảm, cạnh tranh gay gắt và lượng nhựa đường nhập khẩu từ Trung Đông (bị thay đổi xuất xứ) vào Việt Nam gia tăng, khiến mặt bằng giá trung bình giảm 10% so với năm 2023.
Có thể thấy, nhựa đường là lĩnh vực đóng góp trọng yếu vào doanh thu của Hóa dầu Petrolimex, được kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Đây là lý do chính khiến Hóa dầu Petrolimex lao dốc trong 3 năm liên tiếp.
Cổ phiếu PLC phục hồi, nhưng dòng tiền suy yếu
Theo diễn biến trên thị trường chứng khoán, từ ngày 9/4 tới ngày 7/5, thị trường bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng có dấu hiệu phân hóa giữa các nhóm ngành. Cổ phiếu PLC của Hóa dầu Petrolimex tăng 36,5%, từ 18.900 đồng/cổ phiếu, lên 25.800 đồng/cổ phiếu. Dù phục hồi giá trị, nhưng thanh khoản cổ phiếu PLC trong hơn 1 tuần trở lại đây vẫn duy trì ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên, thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư sau nhịp phục hồi.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, ông Đỗ Hữu Tạo, Chủ tịch HĐQT Hóa dầu Petrolimex cho biết, trong năm qua, Tổng công ty đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo tái cấu trúc, xây dựng phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại Hóa dầu Petrolimex từ 79,07% xuống 51 - 65% vốn điều lệ.
Việc cổ đông Nhà nước lên kế hoạch thoái vốn là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu, đồng thời là cơ sở để nhà đầu tư tư nhân nâng sở hữu tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn còn quá sớm, việc thoái vốn thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là mức định giá tại thời điểm thoái vốn và tỷ lệ mà cổ đông Nhà nước thoái vốn.
Duy Bắc
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tong-cong-ty-hoa-dau-petrolimex-lao-doc-lien-tiep-truoc-ap-luc-canh-tranh-d280287.html