Tổng cục Thuế vừa có Công văn 6369 gửi hội sở chính của 100 ngân hàng và trung gian thanh toán, đề nghị thực hiện kê khai và nộp thuế thay cho Agoda, AirBnB, Booking, Paypal theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Theo Tổng cục Thuế, bên cạnh đại đa số các nhà cung cấp nước ngoài đã nghiêm túc thực hiện thì vẫn còn một số nhà cung cấp nước ngoài vẫn chưa thực hiện đăng ký thuế tại Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế; trong đó có 4 nhà cung cấp nước ngoài kể trên kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam.
Trước mắt để truy thu thuế từ 4 doanh nghiệp này, Tổng cục Thuế đề nghị 100 ngân hàng và trung gian thanh toán kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay khi thanh toán các giao dịch của 4 nhà cung cấp nước ngoài này theo quy định.
Bên cạnh đó, Cục Thuế doanh nghiệp lớn đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an… phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.
Về Agoda, AirBnB, Booking, đây là 3 công ty kinh doanh dịch vụ đặt phòng và vé máy bay đang phát triển mạnh tại Việt Nam những năm gần đây, thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn tại Việt Nam làm môi giới dịch vụ và thu hoa hồng rất lớn nhưng không nộp thuế.
Theo khảo sát Travel Tech 2024 của Outbox, thị trường đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tại Việt Nam đang chịu chi phối bởi các "ông lớn" quốc tế như Traveloka, Booking và Agoda. Các thương hiệu này đang là lựa chọn hàng đầu của khách Việt.
Trong khi đó, Paypal là cổng thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới, với khoảng 80% các trang web mua sắm trực tuyến trên thế giới đều tích hợp cổng thanh toán này.
Tổng cục Thuế đưa vào hoạt động cổng thông tin điện tử từ tháng 3/2022 để các nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Tổng số thuế mà các đơn vị này đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm 2023, vượt 74% so với dự toán.
Trong đó, các đơn vị lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
KIỀU CHINH