Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) đã công bố thông tin về việc bà Nguyễn Đức Thạch Diễm “rời ghế” Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị.
Trong "tâm thư" chia tay, bà Diễm cho biết, bà đã sống, đã dám làm, đã dấn thân hết mình cho hành trình tái cơ cấu, hồi phục và vươn mình mạnh mẽ của Sacombank.
"Gần 8 năm - không quá dài so với một đời người nhưng đủ để tôi khắc ghi từng ánh mắt tin tưởng, từng cái bắt tay ấm áp, từng câu nói chân tình và cả những trăn trở trong từng đêm không ngủ vì sự phát triển bền vững của ngân hàng.
Tôi hiểu, mọi hành trình đều có điểm dừng. Cuộc gặp gỡ nào cũng có chia ly. Thời gian qua, tôi đã được Hội đồng quản trị tin tưởng, bổ nhiệm và giao quyền để tạo nên một tập thể mạnh mẽ, gắn kết, đầy nhiệt huyết như những chiến binh mạnh mẽ của Sacombank chúng ta", bà Diễm viết.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002. Theo giới thiệu trên website Sacombank, bà Diễm đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ.
Bà đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại Phòng giao dịch, Phòng nghiệp vụ Chi nhánh, Văn phòng Khu vực Tp.HCM, toàn Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, toàn hệ thống Sacombank.
Trước khi ngồi "ghế nóng" Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng xử lý nợ - một trong những hoạt động trọng yếu đang được Sacombank tập trung thực hiện theo định hướng của đề án tái cơ ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Khi nhận xét về bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, các cộng sự cho biết, bà không chỉ là một CEO rất biết truyền cảm hứng mà còn vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán.
Sau gần 20 năm gắn bó tại Sacombank từ vị trí nhân viên kế toán, bà Thạch Diễm thẳng thắn xác định, bản thân là người làm công chuyên nghiệp, nghĩa là việc gì tốt nhất cho cổ đông, nhân viên thì sẽ làm, chấp nhận mọi khó khăn để thực hiện và sẵn sàng cho một hành trình tiên phong đổi mới. Điều này đã giúp CEO tuổi Sửu này tạo nên thành công của Sacombank ở thời điểm hiện tại.
Sacombank chính thức bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc kể từ ngày 3/7/2017.
Năm 2022, bà tiếp tục được tái bổ nhiệm vị trí trên trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, bà còn giữ vai trò Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022-2026 từ tháng 4/2022.
Ngồi "ghế nóng" Sacombank, tuy nhiên, bà Diễm không sở hữu nhiều cổ phần tại ngân hàng này. Theo báo cáo quản trị năm 2024, bà Diễm đang sở hữu 76.320 cổ phiếu, tương đương với 0,004% vốn điều lệ ngân hàng.
Trích báo cáo quản trị năm 2024 của Sacombank
Đáng chú ý, tại thời điểm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm ngồi "ghế nóng", Sacombank đang đối diện với các khoản nợ xấu lớn của giai đoạn trước để lại, tài sản có không sinh lời chiếm 30% tổng tài sản của nhà băng này.
Không những vậy, Sacombank còn đối mặt với "chảy máu chất xám" về nhân sự; mất khách hàng bởi uy tín của Sacombank sụt giảm. Bản thân bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng từng thừa nhận, khi đảm nhận vị trí CEO của Sacombank, bà phải chịu áp lực rất lớn.
Một mặt phải tiếp tục duy trì điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiệu quả, từng bước đưa Sacombank trở lại tốc độ tăng trưởng tích cực, mặt khác vị nữ CEO tuổi Sửu này phải xử lý nhanh chóng những tồn đọng sau sáp nhập trong đó chú trọng nhất là xử lý nợ xấu và tái cấu trúc mọi mặt hoạt động của ngân hàng.
Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm, cùng ban lãnh đạo, đến nay Sacombank đã từng bước đi qua khó khăn, và tái lập vị thế trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.
Trở lại với tình hình kinh doanh chung, các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2025 được công bố bao gồm: Tổng tài sản tăng 10% lên 819.800 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả đạt được trong năm trước.
Hết quý 1/2025, ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và tương đương 25% kế hoạch cả năm.
Đáng chú ý, sáng ngày "tâm thư" của bà Diễm được công bố, cổ phiếu STB tăng kịch biên độ lên mức 42.250 đồng/cổ phiếu với thanh khoản dồi dào. Tại thời điểm 9h50, mã này "sang tay" gần 20 triệu đơn vị và dư mua 3 triệu đơn vị.
Ngọc Quang