Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu: Bình tĩnh ứng phó với thuế quan

Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu: Bình tĩnh ứng phó với thuế quan
17 giờ trướcBài gốc
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Thưa ông, Vinatex và các doanh nghiệp trong Tập đoàn đón nhận thông tin về thuế quan mà Tổng thống Mỹ áp với hàng hóa Việt Nam như thế nào trong hơn 1 ngày qua?
Ban đầu nghe thông tin về mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, tôi khá bất ngờ. Nhưng về tinh thần chung Chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh áp thuế với tất cả các nước đang có quan hệ thương mại với Mỹ, chứ không riêng Việt Nam. Việt Nam cũng không phải là trường hợp đặc biệt trong đợt áp thuế này.
Tất nhiên, với mức thuế suất Mỹ công bố cho hàng Việt lên tới 46% là cao, nhưng họ cũng chưa nói cụ thể mặt hàng nào. Đến nay, Mỹ chưa hề đưa ra mức thuế cụ thể nào với từng dòng sản phẩm, của từng lĩnh vực, trong đó có dệt may.
Ứng phó với thông tin thuế quan của Mỹ, quan điểm chỉ đạo của Tập đoàn ra sao, thưa ông?
Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Vinatex với các đơn vị là không hoang mang, không dao động vì đợt áp thuế này không phải là với riêng lĩnh vực dệt may hay chỉ với riêng Việt Nam mà cả toàn cầu.
Quan trọng là phải tiếp tục theo dõi thông tin, vì nếu đi đến áp thuế, chắc chắn cơ quan thuế quan của Mỹ sẽ ra mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng tính theo mã HS là bao nhiêu thì từ đó mới biết ảnh hưởng của thuế đó với dệt may như thế nào.
Về ứng phó và hành động, thì về mặt vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời, thiết thực, không phải lúc này, mà cả khoảng thời gian trước đó. Thêm nữa, “khẩu vị” áp thuế của Tổng thống Trump là đưa ra mức thuế cao, nhưng linh hoạt có thương thảo, và chỉ 2 ngày nữa, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có mặt tại Mỹ. Chuyến công tác được kỳ vọng sẽ đàm phán lại việc đánh thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Mỹ đưa ra đối với Việt Nam.
Tôi tin tưởng, Chính phủ nước ta sẽ có những ứng phó rất linh hoạt, mềm mại với Chính phủ Mỹ trong việc đàm phán để đưa thuế về mức thấp nhất có thể, cũng như để đạt được mục tiêu tạm hoãn áp thuế đối ứng, thay vì ngay từ 9/4.
Sản xuất, kinh doanh thương mại chưa bao giờ là dễ dàng, nay lại thêm thuế đối ứng, rào cản thương mại nhiều hơn đe dọa đến lợi nhuận, ông chia sẻ những giải pháp trước mắt của tập đoàn cho vấn đề này?
Như tôi đã nói, trước vấn đề thuế quan của Mỹ, doanh nghiệp không hoang mang và xác định là trong khó khăn thì càng phải bình tĩnh. Lãnh đạo Vinatex đốc thúc các doanh nghiệp về đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, kiểm soát chặt xuất xứ…
Chúng ta cũng phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, với ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại.
Trong bối cảnh này thì doanh nghiệp sản xuất cũng phải ngồi lại với khách hàng, cùng đồng hành để cùng nhau tìm ra phương án tối ưu, mục tiêu làm sao vẫn đảm bảo duy trì đơn hàng, công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo lợi nhuận.
Nhưng dù thế nào thì cũng phải xác định, tăng thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu, bởi 1 chiếc áo bình thường 10 USD nay thành 12-13 USD, họ phải suy nghĩ lại khi mua sắm là đương nhiên.
Các doanh nghiệp dệt may trong Tập đoàn cần bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các giải phải mang tính bền vững như: tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động; sẵn sàng đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn; quyết tâm ổn định sản xuất
Thế Hải
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tong-giam-doc-vinatex-cao-huu-hieu-binh-tinh-ung-pho-voi-thue-quan-d262102.html