Tổng hợp tin tức ngày 5/11 tại ĐBSCL

Tổng hợp tin tức ngày 5/11 tại ĐBSCL
3 giờ trướcBài gốc
Sóc Trăng chuẩn bị các hoạt động tổ chức lễ hội Oóc Om Bóc
Từ cuối tháng 10/2024 đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Sóc Trăng phối hợp với Ban Dân tộc và nhiều cơ quan chức năng của tỉnh này tổ chức các buổi họp, vận động tài trợ, xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức ngày hội lớn dành cho đồng bào dân tộc Khmer vào dịp tháng 10 âm lịch... đó là lễ hội Oóc Om Bóc với nhiều hoạt động, trong đó không thể thiếu giải đua ghe ngo.
Trong khuôn khổ của lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao được lồng ghép tổ chức nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng.
Qua đó góp phần thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch địa phương.
Mặc dù một số hoạt động của lễ hội được diễn ra từ 9/11, nhưng chương trình khai mạc đến tối 13/11 mới diễn ra tại Quảng trường Bạch Đằng, TP Sóc Trăng. Sau đêm khai mạc, giải đua ghe ngo sẽ diễn ra từ ngày 14-15/11 gồm cự ly 1.200 m dành cho nam và cự ly 1.000 m nữ.
Tiền Giang: Người dân ở phà Mỹ Thuận cũ thấp thỏm lo sạt lở
Đầu tháng 11/2024, theo ghi nhận của PV, tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ đang xảy ra tình trạng sạt lở, hàm ếch. Theo người dân, tình trạng này đã xảy ra nhiều tháng qua và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện trường sạt lở trước cửa nhà người dân sinh sống tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ
Người dân tại khu vực đã nhiều lần gia cố bằng cách đóng cọc tràm, đổ bê tông nhằm giảm tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay có điểm sạt lở chỉ cách cửa nhà dân khoảng vài mét.
Theo tìm hiểu, chính quyền địa phương đã lập kế hoạch di dời các hộ dân sinh sống sát mép sông đến các khu vực an toàn hơn, đồng thời cung cấp các hỗ trợ tài chính cần thiết để giúp người dân ổn định lại cuộc sống.
Tình hình sạt lở tại bến phà Mỹ Thuận cũ ở Tiền Giang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi các biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả từ chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Sáng 5/11, đoàn giám sát của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, đầu năm 2024 đến nay, Kiên Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh sốt rét do P.falciparum ngoại lai từ Cộng hòa Liberia (Tây Phi), tăng 1 ca so cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh ghi nhận 725 ca sốt xuất huyết, với 143 ổ dịch, tỷ lệ ca nặng/ca mắc 2,8%; 134 ca mắc giun đường ruột, 56 ca giun đũa chó mèo, 22 ca giun xoắn…
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đề nghị Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM hỗ trợ thuốc tẩy giun; thường xuyên mở các lớp tập huấn; cấp thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sốt rét.
Kết luận buổi làm việc, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM Giang Hán Minh đề nghị Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang xây dựng lại kế hoạch chi tiết theo các hướng dẫn của Bộ Y tế như kế hoạch tập huấn, giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát trọng điểm... về công tác phòng, chống bệnh sốt rét quay trở lại, bệnh sốt xuất huyết, giun sán để trình sở phê duyệt và cấp kinh phí.
Hơn 570 ha lúa ngập sâu sau trận mưa lớn nhất 40 năm qua tại Bạc Liêu
Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo nhanh về tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn trên địa bàn tỉnh những ngày qua.
Theo ghi nhận của Trạm Khí tượng Nông nghiệp Bạc Liêu, tổng lượng mưa từ 7h - 16h40 ngày 2/11 vượt mốc lịch sử về lượng mưa trong ngày được ghi nhận hơn 40 năm qua tại Bạc Liêu. Cụ thể, lượng mưa trong ngày đo được đến lên tới hơn 225mm, trong khi trước đây lượng mưa lớn nhất trong ngày cũng chỉ quanh mốc 200mm/24h.
Trong 2 ngày 2 - 3/11, mưa lớn và triều cường đã làm 571ha lúa giai đoạn mạ trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu bị ngập và ngập một số diện tích rau màu, ao nuôi thủy sản.
Kiên Giang đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chống khai thác IUU
Ngày 5/11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức kỳ họp thường kỳ tháng 10/2024 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đặt ra nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2024.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng so với tháng trước, như: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,89%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,53%. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục ổn định, tăng khá so cùng kỳ; chống khai thác IUU tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, không xảy ra vi phạm vùng biển nước ngoài; sản lượng thủy sản nuôi trồng (tăng 11,05% so cùng kỳ).
UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức kỳ họp thường kỳ tháng 10/2024
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, nhất là các công trình trọng điểm. Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tỷ lệ giải ngân trên 95%.
Bên cạnh đó, tập trung chống khai thác IUU và chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu (EC). Hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai sớm các dự án nuôi biển đã chấp thuận chủ trương; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ; tăng cường xúc tiến du lịch, kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm; nhất là quản lý chất lượng dịch vụ, giá cả.
Bí thư Tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ công trình kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc
Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cùng ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành... vừa đi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).
Tại chuyến kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), ông Nguyễn Tiến Hải đã khảo sát Cụm công trình tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc; công tác chuẩn bị lắp ráp sân khấu cho lễ kỷ niệm; điểm tổ chức hội chợ, các phương án đưa, đón khách, hậu cần…
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Tiến Hải, yêu cầu tất cả các đơn vị đang thi công, thực hiện các công trình, phần việc phải tập trung, quyết liệt hoàn thành tốt nhất, hiệu quả nhất để lễ kỷ niệm diễn ra thành công, tạo hiệu ứng, lan tỏa cao, đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của tỉnh.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An: Dự kiến thông xe kỹ thuật cuối tháng 12/2025
Ngày 5/11, Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, đến nay Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua Long An đạt tiến độ hơn 51%, hiện chủ đầu tư đang khẩn trương thi công, dự kiến đến ngày 31/12/2025 sẽ hoàn thiện, thông xe kỹ thuật.
Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, đến nay đường công vụ của Dự án đường Vành đai 3 TPHCM qua Long An đã thi công hoàn thành. Phần đường cao tốc đã hoàn thành đắp cát gia tải, đang bơm hút chân không xử lý nền đất yếu, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Sở GTVT tỉnh Long An đã đề ra các mốc thời gian cụ thể hoàn thành các phần của dự án để thực hiện. Theo đó, phần đường cao tốc, đến ngày 24/1/2025 (trước khi nghỉ Tết Nguyên đán) xử lý xong nền đất yếu và hoàn thiện công tác đắp nền đường. Đến ngày 31/10/2025, hoàn thành công tác thi công móng cấp phối đá dăm mặt đường và thảm nhựa mặt đường.
Hà Giang (t/h)
Nguồn Bảo Vệ Công Lý : https://baove.congly.vn/tong-hop-tin-tuc-ngay-5-11-tai-dbscl-457767.html