Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2024 có khối lượng công việc lớn đối với ngành Thanh tra, nhất là những nhiệm vụ đột xuất do Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao. Tuy nhiên, ngành đã nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Trong năm, Thanh tra các bộ ngành, địa phương đã bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính về kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất.
Toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính, gần 119 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm gần 38% số cuộc thanh tra, kiểm tra so với 2023). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 158 nghìn tỷ đồng, 245ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 85 nghìn tỷ đồng (về ngân sách nhà nước hơn 20 nghìn tỷ đồng; về tổ chức, đơn vị gần 65 nghìn tỷ đồng) và 41ha đất. Kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể, hơn 9 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng. Tiến hành gần 119 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phát hiện hơn 116 nghìn tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền hơn 147 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm hơn 451 nghìn tỷ đồng do Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước phát hiện vi phạm các quy định của nhà nước về cho vay, nợ quá hạn…)
Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra cũng chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.771 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.
Đại biểu dự hội nghị đã tham luận nhiều nội dung quan trọng, nhất là đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý vi phạm phải khách quan, chính xác, đúng quy định pháp luật, thấu tình, đạt lý và khả thi; tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, thực hiện nghiêm các kiến nghị xử lý qua thanh tra. Đồng thời thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nêu lên những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Thanh tra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tin, ảnh: Hải Yến