Đại biểu tham quan ruộng mô hình
Theo đó, vụ thu đông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai thực hiện mô hình tại Tổ hợp tác trồng lúa chất lượng cao Tân Đông (xã Mỹ Phú Đông) với diện tích 50ha, có 8 hộ tham gia thực hiện mô hình.
Hội thảo đánh giá, ruộng mô hình gieo sạ bằng thiết bị sạ cụm, mật độ sạ hợp lý (70kg/ha) nên lá ủ và chồi vô hiệu không nhiều, khi có các đối tượng sâu bệnh xuất hiện gây hại thì việc phòng trừ hiệu quả khá cao do thông thoáng nên phát huy tối đa hiệu lực của các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng đối chứng gieo sạ với mật độ khá cao (150kg/ha) nên lượng lá ủ tương đối nhiều, dẫn đến việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nhiều hơn 1 -2 lần so với ruộng mô hình. Số lần phun thuốc ở ruộng mô hình từ 7-8 lần, ở ruộng đối chứng là 9 lần phun thuốc.
Các ruộng trong mô hình áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật, như: Giảm giống, bón phân cân đối, quản lý dịch hại theo IPM, ngập khô xen kẽ... nên tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển, quản lý tốt dịch hại nên lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn so với đối chứng khoảng 3,3 - 5,5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, áp dụng các kỹ thuật xử lý rơm rạ và quản lý nước hợp lý, góp phần giảm phát thải trong quá trình sản xuất lúa.
Mô hình nhằm từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, tạo ra sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn phục vụ thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người trồng lúa.
PHƯƠNG LAN