Nhấn mạnh tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính - nói: “Đây là nhiệm vụ chính trị lớn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và 2025 để thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng...”.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính (người đang đứng) - cho biết, thực hiện tinh giản, sắp xếp bộ máy ít nhiều ảnh hưởng đến tổng kiểm kê tài sản. Ảnh: Q Thành.
Cục Quản lý Công sản cho biết, đối tượng kiểm kê lần này gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định; Tài sản KCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý (gồm tài sản là KCHT giao thông: đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải; KCHT cấp nước sạch, KCHT thủy lợi, KCHT kỹ thuật là không gian xây dựng ngầm đô thị...
Thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0 giờ ngày 1/1/2025. Tổng kiểm kê trên phạm vi toàn quốc nhằm nắm được thực trạng của tài sản công, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.
Trong số 100 nghìn đơn vị thực hiện kiểm kê tài sản lần này, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ, 6 địa phương gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải; các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Quảng Ninh.
Khi sáp nhập huyện, xã có phát sinh tài sản dôi dư, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Nghị định 108 về sử dụng quỹ nhà đất chưa dùng của các địa phương theo hướng: cái gì mà dôi dư chưa sử dụng thì giao cho tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà ở địa tại địa phương để cho thuê, tạo quỹ nhà đất dự phòng. Bên cạnh đó, ban hành quy định về việc bán tài sản công.
Theo ông Thịnh, các đơn vị thuộc diện tinh giản bộ máy, sáp nhập về cơ quan khác..., vẫn phải thực hiện kiểm kê tài sản bình thường, để đảm bảo tài sản không nằm trong khoảng trống quản lý, tránh thất thoát tài sản khi chúng ta đang sắp xếp lại bộ máy.
Công trình, dự án chưa hoàn thành, chậm tiến độ lãng phí nhưng chưa được gọi là tài sản để kiểm kê. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Trước câu hỏi “với cơ quan thuộc các bộ, ngành sau khi phải sáp nhập thì công sản dôi dư được quản lý như thế nào?”, ông Nguyễn Tân Thịnh nói rằng, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn xử lý tài sản công sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng: Các cơ quan, đơn vị cũ chuyển toàn bộ về đơn vị mới. Sau khi cơ quan, đơn vị mới sắp xếp ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự, lãnh đạo đơn vị đó tính toán nhu cầu sử dụng tài sản công cụ thể theo định mức để quyết định sử dụng tài sản. Phần tài sản dôi dư sẽ được xử lý theo quy định hoặc là bán, giao về địa phương, không để xảy ra thất thoát.
Trường hợp tài sản đang hình thành, công trình đang trong quá trình xây dựng bị bỏ hoang nhiều năm mà báo chí mới đây phản ánh đó là tài sản bị lãng phí..., thì thực chất những công trình đó chưa phải là tài sản, do vậy nó không thuộc diện phải kiểm kê và đưa vào quản lý đợt này.
Quyền Thành