Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn biểu dương và đánh giá cao ngành Công thương, đã vượt qua một năm đầy khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm qua, ngành Công thương đã hoàn thàn và vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nổi bật là đã tạo đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với Luật Điện lực sửa đổi. Các cân đối lớn được đảm bảo, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu, đặc biệt là kỳ tích đường dây 500 KV mạch 3 với loạt kỷ lục và các dự án năng lượng trọng điểm ngành năng lượng.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao, gần 25 tỷ USD. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng 8,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10% (năm 2023 dưới 1%).
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới. Đồng thời, Bộ Công thương đã chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn bộ máy từ bên trong.
Năm 2025, mục tiêu phấn đấu của ngành công thương là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10%; xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Nhận định tình hình kinh tế sắp tới có nhiều thách thức, biến động, phức tạp, khó lường, Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị ngành Công thương cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh về năng lượng Quốc gia; tiếp tục đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc lớn vào một thị trường, từng bước cải thiện cán cân thứ ba. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Để làm được điều này, toàn ngành Công thương cần tập trung bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc, củng cố các yếu tố làm nền tảng để nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Hồng Nhung