Việt Nam đang quyết tâm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và TP.HCM là khu vực được kỳ vọng giữ vị trí đầu tàu trong tiến trình này. Đây là một hành trình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và cũng là “bài toán khó mà Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM Alexandra Smith về góc nhìn và kinh nghiệm từ Anh - nơi có trung tâm tài chính quốc tế London đứng top đầu thế giới - trong việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Những gợi mở từ Anh
. Với kinh nghiệm làm việc tại TP.HCM cũng như một số thành phố ở khu vực Đông Nam Á, theo bà, TP.HCM có thế mạnh gì và cần ưu tiên điều gì để tạo ra bản sắc riêng và sức cạnh tranh trên bản đồ tài chính khu vực?
+ Tổng Lãnh sự Anh Alexandra Smith: Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, còn TP.HCM là trung tâm của sự phát triển kinh tế đó và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
TP.HCM có nguồn nhân lực tuyệt vời, với dân số trẻ, năng động, sẵn sàng tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp, có xu hướng hội nhập quốc tế. Ngoài ra, vị trí địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong thương mại. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều cảng biển gần TP.HCM và có sân bay sắp đưa vào khai thác, sẽ giúp thành phố kết nối tốt hơn với khu vực Đông Nam Á.
Tôi cũng khuyến khích TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục tận dụng quan hệ thương mại với Anh, đặc biệt thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật lệ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp giao dịch xuyên biên giới.
Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM Alexandra Smith. Ảnh: NGỌC HÓA
. Bà có gợi ý gì để TP.HCM thu hút dòng vốn quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để từng bước trở thành một trung tâm tài chính quốc tế?
+ Khi nói đến trung tâm tài chính quốc tế thì điều quan trọng là trung tâm tài chính quốc tế được thiết kế như thế nào. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và quy định phù hợp với kỳ vọng và tiêu chuẩn toàn cầu sẽ giúp thương mại xuyên biên giới trở nên dễ dàng. Đây sẽ là một yếu tố then chốt khi doanh nghiệp quyết định mức độ tham gia vào thị trường Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng khác là các hiệp định thương mại giữa Anh và Việt Nam, gần đây nhất là CPTPP. Hiệp định này đưa Việt Nam, Anh cùng với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore và Malaysia vào một “liên minh” thương mại, giúp việc kinh doanh xuyên biên giới dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn đa quốc gia trước đây chưa có mặt tại Việt Nam, giờ đây có thể sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường này hơn.
. Còn yếu tố nào khác để các “đại bàng” quyết định “làm tổ” tại TP.HCM?
+ Niềm tin và sự tự tin của doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi khi họ quyết định đầu tư và làm việc tại một quốc gia, đặc biệt trong cấu trúc mới của trung tâm tài chính quốc tế. Điều tạo dựng niềm tin là sự chắc chắn về chính sách bởi doanh nghiệp cần biết họ sẽ được đối đãi ra sao ở nước sở tại.
Vì vậy, việc tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế trong việc quản lý và khung pháp lý là rất quan trọng, bởi các công ty quốc tế đã quen với môi trường đó. Nếu có thể có một trải nghiệm tương tự tại Việt Nam thì sẽ thúc đẩy sự tự tin của doanh nghiệp.
Một yếu tố khác mà TP.HCM nên tính đến là cải thiện chất lượng sống. Khi doanh nghiệp quyết định nơi đặt văn phòng, họ sẽ nghĩ đến trải nghiệm sống của nhân viên và do đó tôi mong rằng chính quyền thành phố làm sao để TP.HCM trở thành nơi đáng sống hơn nữa.
Cạnh đó, các quy trình thủ tục như xin visa lao động cần đơn giản hơn, chất lượng giáo dục và môi trường sử dụng tiếng Anh được cải thiện,... đều là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp quyết định có đến Việt Nam hay không.
Tôi tin rằng TP.HCM còn nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế và Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế.
Việc Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là hành trình dài, nhưng là hành trình có động lực mạnh mẽ, đặc biệt khi Bộ Chính trị đã phê duyệt chủ trương này và chính phủ Việt Nam chỉ đạo quyết liệt trong việc lên kế hoạch hành động để hiện thực hóa trung tâm tài chính quốc tế…Tôi tin rằng TP.HCM có một cơ hội lớn để trở thành trung tâm tài chính quốc tế và đang rất sẵn sàng trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
- Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM Alexandra Smith -
Động lực từ hợp tác Việt-Anh
. Trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam, mà cụ thể là TP.HCM, rất cần những sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm như Anh. Tinh thần từ phía Anh ra sao thưa bà?
+ Anh rất vinh dự được hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Anh là một trong những trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới với TP London là một trong những trung tâm tài chính quốc tế lâu đời nhất. Việc chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam là một điều vinh hạnh và chúng tôi đang thực hiện điều này bằng nhiều cách.
Trước tiên là thông qua The CityUK - tổ chức đại diện cho ngành dịch vụ tài chính của Anh bao gồm các doanh nghiệp, chuyên gia từ các lĩnh vực tài chính, chia sẻ kiến thức chuyên môn với phía Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và đoàn đại biểu Việt Nam trong cuộc tọa đàm với tổ chức The CityUK về xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức tại London. Ảnh: VGP/ĐÌNH HẢI
Chúng tôi cũng đã đón các đại diện của chính phủ Việt Nam đến London để trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, gần đây nhất là Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã đến London vào tháng 3 và trong năm nay chúng tôi rất mong được đón đại diện Bộ Tài chính Việt Nam đến London.
Ngoài ra, tại TP.HCM, chúng tôi và các doanh nghiệp Anh hoạt động lâu năm ở đây cũng đang hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo chính quyền để chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
. Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn nhân lực là “chìa khóa” để phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Trong khi đó, Anh vốn rất nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo nhân lực. Vậy Việt Nam và Anh sẽ hợp tác ra sao trong lĩnh vực này để tạo hạt nhân cho trung tâm tài chính quốc tế?
+ Trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ, giá trị đến từ người cung cấp dịch vụ đó. Do đó, phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò then chốt đối với sự thành công của trung tâm tài chính quốc tế.
Anh và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ ở giáo dục đại học và đào tạo kỹ năng, mà còn ngay từ giai đoạn đầu của hành trình giáo dục, từ mầm non đến việc dạy tiếng Anh.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng đào tạo tiếng Anh sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trung tâm tài chính quốc tế, vì ngôn ngữ chính thức ở đó sẽ là tiếng Anh. Do đó, các tổ chức giáo dục Anh như British Council, Pearson đang hỗ trợ đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam.
Cạnh đó, đào tạo về kỹ năng cũng là lĩnh vực mà Anh có thể hỗ trợ Việt Nam rất hiệu quả. Anh có các tổ chức, định chế được công nhận, đảm nhiệm việc thiết lập các tiêu chuẩn và hỗ trợ triển khai các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt liên quan đến dịch vụ tài chính như kế toán.
Tại Việt Nam, các tổ chức của Anh như Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) là những đơn vị đang đào tạo kỹ năng về lĩnh vực này.
Một khía cạnh hợp tác nữa là chương trình liên kết giáo dục. Hầu như mỗi tuần tôi đều có dịp thăm các trường đại học tại TP.HCM cũng như các tỉnh khác và chứng kiến sự hợp tác giữa đại học Anh và Việt Nam, đưa giáo dục Anh đến gần hơn với sinh viên Việt Nam.
Như vậy, đây là một mối quan hệ hợp tác lâu đời và sẽ trở nên cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Nhiều dư địa cho hợp tác Việt-Anh
Theo Tổng Lãnh sự Anh, ưu tiên hàng đầu của bà là thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh và Việt Nam, tận dụng hai hiệp định thương mại sẵn có là Hiệp định thương mại tự do song phương Anh-Việt Nam và CPTPP.
Ngoài việc hợp tác kinh tế, giáo dục, phát triển trung tâm tài chính và dịch vụ tài chính tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Anh cho biết còn có nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng khác trong quan hệ Anh - Việt.
Trong đó có thể kể đến y tế, vốn là ngành xuất khẩu lớn nhất của Anh sang Việt Nam. Theo bà Smith, với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng tại Việt Nam, Anh có thể cung cấp công nghệ và dịch vụ y tế chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đó.
Một lĩnh vực khác mà hai nước có thể thúc đẩy hợp tác là về cơ sở hạ tầng. Việt Nam hiện đang chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đường sắt và hệ thống đường sắt đô thị tốc độ cao (metro) và đây là một lĩnh vực mà Anh có chuyên môn cao và có thể giúp Việt Nam lên ý tưởng thiết kế và xây dựng.
ĐỨC HIỀN