Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc vùng Vịnh lớn (GBA) năm 2024. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Với chủ đề “Đón đầu công nghệ - Hợp tác hài hòa", mục tiêu của Diễn đàn năm nay là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp mới nổi, kết nối, xúc tiến hợp tác, đầu tư, tạo sự gắn bó giữa các chính quyền, doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là vùng Vịnh lớn (Quảng Đông, Hong Kong, Macao) - vùng có kinh tế sôi động nhất Trung Quốc hiện nay.
Hội nghị có sự hiện diện đông đảo gần 300 đại biểu là các nhà ngoại giao ASEAN tại Trung Quốc, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp của Trung Quốc và ASEAN.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thị trưởng Thâm Quyến La Hoảng Hạo cho biết, vùng Vịnh lớn và ASEAN có vị trí địa lý tương cận, nhân văn tương thông, hỗ trợ giúp đỡ nhau, hợp tác cùng thắng, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.
Năm nay là năm then chốt thực hiện Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thành phố Thâm Quyến với luôn có chủ trương mở cửa, nỗ lực trở thành điểm đột phá quan trọng trong hợp tác song phương, đưa quan hệ giữa vùng Vịnh lớn và ASEAN lên tầm cao mới, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, đầu tư thương mại, văn hóa du lịch, đào tạo nhân tài…, thúc đẩy mở rộng không gian hợp tác ngành nghề mới như kinh tế số, xe ô tô năng lượng mới, quy hoạch đô thị thông minh, chung tay cống hiến nhiều hơn nữa cho việc xây dựng khu thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc với chất lượng cao và hiệu quả.
Phó Thị trưởng Thâm Quyến La Hoảng Hạo phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Trong những năm gần đây, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tiếp tục tăng trưởng. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 911,7 tỷ USD vào năm 2023. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 15 năm liên tiếp và ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp.
Kể từ khi ra mắt vào năm ngoái, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc vùng Vịnh lớn (GBA) "Tiền Hải" trở thành sự kiện thường niên và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khuôn khổ chiến lược rộng lớn hơn của Thâm Quyến và Trung Quốc.
Diễn đàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các dự án hợp tác công nghiệp với tổng giá trị lên tới 12,1 tỷ NDT (1,68 tỷ USD) vào năm ngoái.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Năm 2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, đã công bố kế hoạch phát triển tổng thể cho Tiền Hải, trong đó nêu rõ 4 vai trò chiến lược quan trọng của khu vực, bao gồm vai trò là nền tảng thí điểm cho cải cách và đổi mới toàn diện và là cổng thông tin cao cấp về mở rộng hợp tác quốc tế.
Năm 2023, Tiền Hải đạt GDP khu vực là 246,4 tỷ NDT (34,2 tỷ USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khối lượng xuất nhập khẩu đạt 494 tỷ NDT, tăng 6,7%. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng khối lượng xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tại Tiền Hải đạt 90,86 tỷ NDT, tăng 231,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiền Hải rất coi trọng ba nền tảng quốc tế lớn, đó là Thành phố tài chính quốc tế Tiền Hải-Thâm Quyến-Hong Kong, Khu dịch vụ pháp lý quốc tế Tiền Hải-Thâm Quyến-Hong Kong và Trung tâm nhân tài quốc tế Tiền Hải. Cho đến nay, 424 công ty tài chính đã có trụ sở tại Thành phố tài chính quốc tế Thâm Quyến-Hongkong Tiền Hải, bao gồm 98 công ty từ Hong Kong của Trung Quốc và nước ngoài.
Một số hình ảnh tại Diễn đàn:
(theo TLSQ Việt Nam tại Quảng Châu)
Hoài Minh