Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hải Nguyễn
Chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ hàng đầu
Đây là thông tin được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 diễn ra sáng 05/02.
Hội nghị được tổ chức tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam và trực tuyến tại gần 100 điểm cầu trên toàn quốc.
Các đại biểu dự Hội nghị
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động; là trách nhiệm của toàn hệ thống, là nhiệm vụ thường xuyên để chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động.
Năm 2024 là thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Đó là tập trung xây dựng và tham gia xây dựng các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội như: Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi) - đạo luật mang tính chính trị, pháp lý cao - do Tổng Liên đoàn là cơ quan đề nghị và chủ trì soạn thảo.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 11 vừa qua đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao, tạo cơ sở pháp lý mới cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các tập thể cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Công đoàn - Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đã tạo hành trang pháp lý quan trọng để cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong đó, nắm vững những quy định của Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội và sớm có hành động thiết thực, cụ thể để đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống là nhiệm vụ của mỗi cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn các cấp.
Khẩn trương đưa Luật Công đoàn vào cuộc sống
Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày những điểm mới của Luật.
Luật Công đoàn năm 2024 gồm 6 Chương, 37 điều (tăng 4 điều so với Luật hiện hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025).
Luật Công đoàn năm 2024 có một số điểm mới nổi bật như: mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động; mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn; quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung và làm rõ các hành vi bị cấm theo hướng phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo tiêu chí cụ thể...
Luật được áp dụng đối với Công đoàn các cấp, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, một trong những kết quả nổi bật cũng như thành công của tổ chức Công đoàn, đó là đã bảo vệ thành công việc tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%.
Cùng với đó, Luật Công đoàn 2024 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn...
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trực tiếp truyền đạt tới cán bộ Công đoàn cả nước những nội dung mới của Luật Công đoàn 2024. Ảnh: Đ.Hải.
Luật bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn (Điều 21, Điều 22). Cụ thể, bổ sung mới thêm một số quyền của đoàn viên: Được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn; được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động công đoàn; quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về Công đoàn; quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể.
Ngoài ra, quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các địa phương, các ngành cần nắm vững các quy định của Luật, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; đảm bảo quyền của đoàn viên, người lao động; đồng thời tích cực tuyên truyền để chủ sử dụng lao động chủ động nghiên cứu, cùng phối hợp hiệu quả trong quá trình hoạt động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các tập thể cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Công đoàn - Ảnh: Hải Nguyễn
Nhấn mạnh từ 01/7/2025 Luật Công đoàn 2024 chính thức có hiệu lực, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị dự Hội nghị, trên cơ sở những nội dung được truyền đạt hôm nay, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sớm triển khai quán triệt tới các Công đoàn cơ sở thuộc cấp mình; sớm truyền tải tới đoàn viên, người lao động để Luật Công đoàn 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên và tổ chức Công đoàn./.
HỒNG LỘC