Tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm

Tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm
2 giờ trướcBài gốc
Phát hiện vụ việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả tại Bắc Giang
Tăng cường hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên toàn quốc
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan.
Đồng thời, đề nghị các địa phương thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link, địa chỉ vi phạm, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế của người dân.
Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, Bộ Y tế khuyến cáo Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Sở Văn hóa địa phương hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng vừa có văn bản đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và UBND các tỉnh, thành phố trực tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố/đăng ký bản công bố trên thị trường, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tăng cường rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm trên môi trường mạng hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác...
Rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt đối với sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng; chủ động sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Tang vật vụ án Công an Thanh Hóa thu giữ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Mỗi năm có khoảng 23.800 thực phẩm tự công bố sản phẩm
Riêng về vấn đề thực phẩm, theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mỗi năm hiện có khoảng 23.800 thực phẩm tự công bố sản phẩm, trong đó, gần 4.800 sản phẩm tự công bố là thực phẩm bổ sung; khoảng 9.200 thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, trong đó khoảng 8.800 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gần 100 thực phẩm dinh dưỡng y học và hơn 300 thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt.
Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương và UBND cấp tỉnh, thành phố. Các sản phẩm thực phẩm được tự công bố hoặc đăng ký bản công bố tại cơ quan chuyên môn do UBND cấp tỉnh chỉ định, trừ thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký bản công bố tại Bộ Y tế.
Hồ sơ khi đăng ký bản công bố và tự công bố chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp phiếu kiểm nghiệm ATTP (gồm các chỉ tiêu an toàn) được kiểm nghiệm trong vòng 1 năm, do phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO-17025 thực hiện, nhưng không yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; bản công bố về sản phẩm các chỉ tiêu an toàn.
Do trao quyền cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, vì vậy hồ sơ doanh nghiệp gửi đến cơ quan chức năng không xét duyệt và doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh ngay.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận nên đã bất chấp đạo đức kinh doanh để sản xuất hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng hoặc lợi dụng vào chính sách thông thoáng để công bố tối đa các sản phẩm.
Cũng theo bà Nga, việc cho phép các tổ chức, cá nhân chỉ cần có đăng ký kinh doanh là được đăng ký công bố sản phẩm và chi phí thẩm định hồ sơ đăng ký công bố quá thấp, tự công bố sản phẩm không mất phí, nên lượng sản phẩm TPCN do các doanh nghiệp tự công bố và đăng ký bản công bố rất nhiều. Trong khi hồ sơ công bố có hiệu lực vĩnh viễn nên áp lực cho cơ quan quản lý trong việc hậu kiểm, thanh, kiểm tra, vì khó sát với thực tế.
Hiện, cũng chưa có hệ thống liên kết, công khai thông tin các sản phẩm thực phẩm đã đăng ký công bố/tự công bố từ Trung ương đến địa phương, nên việc tra cứu thông tin sản phẩm để làm căn cứ kiểm tra, hậu kiểm còn khó khăn. Nhân lực thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương cũng còn thiếu.
Tổ chức các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra về dược, an toàn thực phẩm...
Ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 55/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
- Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện; phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để bỏ lọt các trường hợp vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
- Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, đồng thời lưu ý tăng cường quản lý nhà nước đối với mỹ phẩm, không để xảy ra các sai phạm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; đồng thời phối hợp chặt chẽ, cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
- Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử..., kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, đặc biệt là thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan trong việc rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các nền tảng mạng xã hội, trên các xuất bản phẩm liên quan đến các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả theo quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hóa về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm.
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; kiểm tra, xử lý việc quảng cáo, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng; khẩn trương rà soát, thu hồi các loại thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện trên địa bàn, để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại cho người dân.
- Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về dược, an toàn thực phẩm và quản lý quảng cáo, kinh doanh thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Thúy Hà
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/tong-ra-soat-kiem-tra-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-duoc-an-toan-thuc-pham-102250506143822181.htm