“Hiện tại không có hệ thống như vậy”, theo Tổng tham mưu trưởng Syrsky.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik - Ảnh: Misbar
Nga lần đầu tiên dùng Oreshnik tấn công Ukraine là vào ngày 21.11 năm ngoái, nhắm đến nhà máy công nghiệp quốc phòng Yuzhmash trên địa bàn thành phố Dnepr. Lúc đó Ukraine xác định tên lửa đạt vận tốc tối đa hơn 12.000km/giờ và mất khoảng 15 phút tiếp cận mục tiêu.
Một phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh, Oreshnik được xác định nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh. Giới chuyên gia quân sự xác định vũ khí mới này có thể mang nhiều đầu đạn, tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc - tính năng vốn chỉ trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tầm bắn của tên lửa tầm trung khoảng 3.000 - 5.500km, nếu phóng từ Nga đủ sức vươn đến bất cứ đâu trên lãnh thổ châu Âu lẫn khu vực phía tây nước Mỹ.
Sau lần tấn công 21.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố dù không phải vũ khí hạt nhân chiến lược nhưng sức công phá lẫn độ chính xác của Oreshnik tương đương nên sẽ gây ra mức độ phá hoại không hề thua kém, đặc biệt khi tấn công bằng số lượng lớn và kết hợp với hệ thống tầm xa độ chính xác cao. Ông khẳng định hiện nay trên thế giới không có biện pháp nào đối phó vũ khí như vậy.
Từ khi cuộc chiến nổ ra, Ukraine nhận được nhiều hệ thống phòng thủ từ phương Tây như Patriot, SAMP/T, IRIS-T và mới đây nhất là Gravehawk. Chúng từng thành công đánh chặn vài loại tên lửa Nga nhưng cũng có lúc để lọt mục tiêu. Chưa hệ thống nào được ghi nhận đủ khả năng đánh chặn Oreshnik.
Cẩm Bình