Tổng thống Belarus đề nghị Việt Nam hợp tác sản xuất ô tô để xuất khẩu

Tổng thống Belarus đề nghị Việt Nam hợp tác sản xuất ô tô để xuất khẩu
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 24/10, nhân dịp tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024 tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác với Belarus, đã được lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp trong hơn 30 năm qua.
Việt Nam luôn coi Belarus là người bạn, đối tác tin cậy và mong muốn tăng cường hợp tác với Belarus, trong đó có thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, trên các kênh nhằm tạo cơ sở cho thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh hai nền kinh tế có thể bổ sung lẫn nhau, đề nghị đẩy mạnh khai thác các tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước; nhất trí cần rà soát và tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý để đáp ứng nhu cầu hợp tác hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko chuyển lời chúc mừng đến Chủ tịch nước Lương Cường và mong muốn mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam sớm thăm Belarus.
Tổng thống bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được bảo đảm, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố.
Tổng thống Aleksander Lukashenko nhất trí với những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và khẳng định với nền tảng mối quan hệ truyền thống tin cậy, Belarus luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với Việt Nam.
Tổng thống Belarus đề nghị thúc đẩy hợp tác sản xuất ô tô để xuất khẩu; đẩy mạnh đầu tư, giáo dục, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực mà hai bên cùng tham gia.
5 đề xuất kết nối chiến lược
Cùng ngày, phiên toàn thể Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024 diễn ra với chủ đề "BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch BRICS năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, nhận định sâu sắc về "kỷ nguyên mới – kỷ nguyên kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm nhìn, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện và đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm để giải quyết thách thức chung chưa từng có.
Để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 5 kết nối chiến lược.
Một là, kết nối nguồn lực, theo đó BRICS cần đi đầu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh thông tin.
Hai là, kết nối hạ tầng chiến lược, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Ba là, kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian phát triển cho mọi quốc gia.
Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị tập trung thảo luận các định hướng lớn để giải quyết một số vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bốn là, kết nối con người với con người thông qua hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân giữa BRICS và các nước để xây dựng một không gian văn hóa "thống nhất trong đa dạng"; nơi mà các giá trị khác biệt được tôn trọng, điểm đồng được nhân lên, nơi vẻ đẹp của tình hữu nghị và hợp tác được nuôi trồng, vun đắp, như Đại văn hào Nga Dostoevsky nhấn mạnh "Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới".
Năm là, kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững. BRICS cần đấu tranh mạnh mẽ hơn trong chống lại xu hướng bảo hộ và chính trị hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 3 quan điểm lớn.
Một là, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hai là, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Ba là, chính sách quốc phòng "4 không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Thủ tướng chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" với 3 quan điểm lớn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công", Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng "cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" cho tất cả mọi người dân.
Quỳnh An
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/tong-thong-belarus-de-nghi-viet-nam-hop-tac-san-xuat-o-to-de-xuat-khau-post179454.html