Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman gặp nhau ngày 13/5. (Nguồn: Bloomberg)
Ba điểm đến ở Trung Đông đều là các quốc gia có tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và năng lượng, do vậy, chuyến thăm được kỳ vọng là cơ hội để các bên đạt được những thỏa thuận lớn, có giá trị về cả kinh tế và chiến lược.
Cho "Nước Mỹ trước hết"
Tám năm trước, ông Trump cũng lựa chọn Trung Đông là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Điều này được lặp lại ở nhiệm kỳ thứ hai cho thấy Trung Đông vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng và ưu tiên trong chương trình nghị sự của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chuyến thăm kéo dài bốn ngày của ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, nơi đang đối mặt với các thách thức ngoại giao, chính trị và an ninh như xung đột tại Dải Gaza, tình hình Syria, chương trình hạt nhân của Iran. Nếu ông Donald Trump đạt được tiến triển ngoại giao, như thúc đẩy ngừng bắn tại Dải Gaza hoặc tái khởi động đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, đó sẽ là những bước đi quan trọng, củng cố vị thế địa chính trị của Mỹ và gia tăng điểm tín nhiệm của ông ở trong nước.
Sự hiện diện của Tổng thống Donald Trump tại khu vực còn có ý nghĩa thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích kinh tế cho Mỹ, trong bối cảnh GDP quý I/2025 giảm lần đầu sau ba năm. Đối với vị Tổng thống đã cam kết mang lại sự thịnh vượng kinh tế cho nước Mỹ, vùng Vịnh là một khu vực có các cơ hội đầu tư kinh tế lớn.Trên thực tế, Saudi Arabia và UAE đã cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Mỹ và các dự án chung trong thời gian tới, giúp đáp ứng nhu cầu kinh tế cấp bách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Như nhận định của ông Douglas Silliman, Chủ tịch Viện các quốc gia Arab vùng Vịnh ở Washington (Mỹ), khả năng ông chủ Nhà Trắng “muốn cho người Mỹ thấy rằng ông có mối quan hệ kinh tế và chính trị tốt, và có thể cả các mối quan hệ an ninh với các quốc gia vùng Vịnh”.
Ngoài ra, chuyến thăm cũng là nỗ lực của Mỹ trong chiến lược nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông và định hình lại các liên kết kinh tế trong hệ thống petrodollar - nơi Bắc Kinh liên tục củng cố và mở rộng vị thế trong thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani trong lễ ký kết thỏa thuận tại Doha vào ngày 14/5. (Nguồn: Reuters)
Ưu tiên của đối tác
Quan hệ giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh đã được cải thiện kể từ khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền. Quan chức ở một nước vùng Vịnh còn gọi việc ông nhậm chức là “cơ hội ngàn năm có một” để đạt được các mục tiêu của đất nước. Thông qua chuyến thăm, các quốc gia vùng Vịnh mong muốn củng cố và chính thức hóa vị thế như những đối tác an ninh và thương mại không thể thiếu của Mỹ, qua đó, vừa đạt được lợi ích kinh tế, vừa nâng tầm vai trò quốc gia trong các vấn đề toàn cầu.
Dẫu vậy, mỗi quốc gia mà ông Trump tới thăm lần này đều có những danh sách ưu tiên riêng. Đối với Saudi Arabia, bảo đảm an ninh (bao gồm giải pháp hai nhà nước cho Palestine), thúc đẩy các thỏa thuận thương mại và quân sự chính là các trọng tâm chính. Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh hiện đang có kế hoạch thúc giục ông Trump nới lỏng các quy định của Mỹ vốn ngày càng cản trở đầu tư nước ngoài, đổi lại, vào tháng Giêng năm nay, Thái tử Saudi Arabia đã công bố cam kết đầu tư và giao dịch thương mại 600 tỷ USD với Mỹ. Ngoài ra, Saudi Arabia công bố hơn 100 tỷ USD để mua vũ khí của Mỹ, bao gồm tên lửa, hệ thống radar và máy bay vận tải.
Đối với Qatar, nước này đang hướng tới việc xây dựng hình ảnh quốc gia có vai trò trung gian, hòa giải quan trọng đối với các điểm nóng tại khu vực. Là quốc gia vùng Vịnh có quan hệ an ninh chính thức nhất với Mỹ và là nơi đặt cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, Qatar tận dụng điều này để thúc đẩy hợp tác an ninh - quân sự với Mỹ, đồng thời triển khai các thảo luận liên quan giải quyết xung đột tại Dải Gaza, gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Syria.
UAE kỳ vọng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2031. Mục tiêu này khó trở thành hiện thực nếu không có vi mạch tiên tiến của Mỹ và càng chật vật hơn khi chính quyền Mỹ dưới thời ông Joe Biden đã thắt chặt việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Đông.
Vào tháng 3/2025, UAE công bố kế hoạch đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới, cho các lĩnh vực như AI, chất bán dẫn, sản xuất và năng lượng tại Mỹ. Đáp lại, ông Trump cho biết sẽ hủy bỏ một loạt hạn chế về trao đổi công nghệ từ thời người tiền nhiệm.
Trong bối cảnh khu vực Trung Đông còn tồn tại nhiều thách thức, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump mở ra cơ hội cho việc hiện thực hóa những kỳ vọng về các thỏa thuận lớn, các trao đổi thực chất nhằm giải quyết các điểm nóng tại khu vực, từ đó, tạo ra bước ngoặt cho quan hệ giữa các bên nói riêng, cũng như tình hình chính trị và an ninh khu vực nói chung.
Nguyễn Thanh Xuân