Tổng thống Donald Trump 'phanh gấp', hoãn thuế quan 90 ngày

Tổng thống Donald Trump 'phanh gấp', hoãn thuế quan 90 ngày
8 ngày trướcBài gốc
Chỉ chưa đầy 13 giờ sau khi mức thuế có hiệu lực, quyết định đảo ngược đột ngột này đã ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán Phố Wall bật tăng mạnh mẽ, song đồng thời làm dấy lên làn sóng hoang mang sâu rộng trong giới đầu tư, doanh nghiệp và các quốc gia đối tác thương mại.
Việc Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế khiến các nhà đầu tư nhẹ nhõm nhưng vẫn còn lo lắng.
Từ "Ngày Giải phóng" đến "90 ngày tạm dừng"
Động thái bất ngờ này đánh dấu sự thay đổi chóng mặt trong chính sách thương mại của chính quyền Trump. Chỉ mới một tuần trước, ông Trump công bố kế hoạch áp thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu – một bước đi được ông gọi là “Ngày Giải phóng”, nhằm tái định hình hệ thống thương mại toàn cầu. Từ nửa đêm thứ Tư, mức thuế "có đi có lại" mới được ông đưa ra, nhắm vào các quốc gia bị cáo buộc là không công bằng trong thương mại, cũng đã chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, sau bốn ngày thị trường tài chính toàn cầu lao dốc, hàng nghìn tỷ USD bị “thổi bay” khỏi vốn hóa thị trường và lợi suất trái phiếu Mỹ biến động dữ dội, Tổng thống Trump đã quyết định hoãn lại phần lớn các mức thuế trong vòng 90 ngày.
“Tôi nghĩ mọi người đang hơi mất kiểm soát, họ trở nên vui vẻ,” ông Trump nói với phóng viên, sử dụng ẩn dụ chơi golf để giải thích cho sự đảo chiều bất ngờ.
Thông tin hoãn thuế lập tức khiến chỉ số S&P 500 tăng vọt 9,5% – mức tăng lớn nhất kể từ năm 2001. Lợi suất trái phiếu giảm mạnh, trong khi đồng USD phục hồi so với các đồng tiền trú ẩn như yen Nhật hay franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đợt tăng này khó có thể xóa hết thiệt hại kinh tế do chính sách thương mại thất thường của Trump gây ra.
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, 3/4 người Mỹ tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Goldman Sachs cũng đã hạ dự báo suy thoái Mỹ từ 65% xuống còn 45%, nhưng vẫn cảnh báo các mức thuế còn lại có thể dẫn tới cú sốc thuế quan lên tới 15%.
Dù nới lỏng với nhiều quốc gia, Tổng thống Trump lại gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Ông nâng mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc từ 104% lên 125%, tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên đỉnh điểm.
Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp trả đũa quy mô lớn, nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ lên 84%, từ mức 34% được công bố trước đó. Trước đó, Washington đã nâng mức thuế lên tới 104% đối với một số dòng sản phẩm từ Trung Quốc.
“Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận. Họ chỉ không biết phải tiến hành như thế nào,” ông Trump nói, đồng thời khẳng định Mỹ vẫn đang đàm phán với hơn 75 quốc gia và sẽ ưu tiên thỏa thuận với các đối tác ngoài Trung Quốc.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, thương mại hàng hóa giữa hai nước có thể sụt giảm tới 80%, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào xuất – nhập khẩu liên thông với Mỹ và Trung Quốc.
Biểu thuế cập nhật được công bố sau thời gian tạm dừng vào ngày 9 tháng 4
Biểu thuế cập nhật được công bố sau thời gian tạm dừng vào ngày 9 tháng 4
Từ đối đầu cực đoan đến “điều chỉnh chiến thuật”
Động thái đảo ngược chính sách chỉ vài giờ sau khi các mức thuế mới bắt đầu có hiệu lực, về mặt chiến thuật, đây có thể được xem là “bước lùi để tiến” – một đòn thăm dò được triển khai theo đúng phong cách Trump: tạo áp lực cực độ để buộc đối phương phản ứng, sau đó lùi lại một bước để giành vị thế đàm phán. Nhưng về dài hạn, tuyên bố tạm hoãn thuế quan khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ về tính nhất quán trong hoạch định chính sách của chính quyền Trump.
Nhà Trắng nỗ lực khẳng định đây là một phần trong “chiến lược đàm phán lớn” nhằm buộc các nước phải ngồi vào bàn đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tuyên bố rằng “đây là kế hoạch từ đầu”, nhấn mạnh Tổng thống đang tận dụng thuế quan như đòn bẩy tối đa trong đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy áp lực từ thị trường có ảnh hưởng rõ ràng đến quyết định của Tổng thống. Ông Trump thừa nhận: “Bạn phải linh hoạt”, đồng thời đăng trên mạng xã hội: “HÃY BÌNH TĨNH! Mọi chuyện sẽ ổn thôi... ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM TUYỆT VỜI ĐỂ MUA!”.
Phản ứng trước sự việc, Daniel Russel – Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á – nhận định: “Các quốc gia khác sẽ hoan nghênh việc trì hoãn trong 90 ngày – nếu nó kéo dài – nhưng sự đảo chiều và những cú ngoặt liên tục như vậy chỉ tạo thêm bất ổn cho các doanh nghiệp và chính phủ”.
Ông Bessent, xác nhận với báo giới rằng Việt Nam – cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ – nằm trong nhóm quốc gia sẽ được hưởng lợi lớn từ quyết định tạm hoãn thuế quan lần này. “Tôi đang nhìn thấy Việt Nam ngày hôm nay. Nhật Bản đứng đầu danh sách, tiếp theo là Hàn Quốc, Ấn Độ. Vì vậy, chúng ta sẽ xem điều gì tiếp theo,” ông nói.
Tuyên bố này củng cố vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực – từ công nghệ, dệt may cho đến nội thất.
Một điểm gây tranh cãi lớn là việc liệu Liên minh châu Âu (EU) có được hưởng lợi từ quyết định tạm dừng thuế quan của Mỹ hay không. Trong thông báo chính thức, ông Trump nêu rõ rằng các quốc gia chưa “trả đũa dưới bất kỳ hình thức nào chống lại Hoa Kỳ” sẽ được hưởng chính sách tạm dừng.
Tuy nhiên, ngay trong ngày, EU đã công bố kế hoạch áp dụng các biện pháp trả đũa đối với mức thuế thép và nhôm mà Mỹ từng áp dụng trước đó. Dù chưa phản ứng trực tiếp với loạt thuế mới nhất, nhưng động thái này của EU có thể khiến khối này bị loại khỏi nhóm được miễn trừ, ít nhất là về mặt nguyên tắc theo phát biểu của ông Trump.
Chính sự thiếu chi tiết trong phát ngôn của Tổng thống Mỹ đang tạo ra sự không chắc chắn đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách EU, trong bối cảnh khối này đang tìm cách cân bằng giữa việc bảo vệ ngành công nghiệp nội khối và duy trì quan hệ thương mại ổn định với Washington.
Sự xáo trộn trong chính sách thuế quan khiến các doanh nghiệp lo ngại về tính ổn định trong môi trường đầu tư. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc điều hành bày tỏ lo lắng trong cách hoạch định chính sách của Trump khiến việc dự báo và chuẩn bị cho các tình huống thị trường trở nên gần như bất khả thi.
Bên cạnh đó, mức thuế cơ bản 10% vẫn được giữ nguyên; các mức thuế riêng đối với ô tô, thép, nhôm và những hàng hóa vi phạm quy định xuất xứ theo hiệp định USMCA – đặc biệt là từ Canada và Mexico – cũng không được hoãn.
Động thái hoãn thuế quan 90 ngày của Tổng thống Trump là một cú “phanh gấp” chính sách mang tính bước ngoặt, làm dịu thị trường. Trong khi Phố Wall tạm thời thở phào, thế giới vẫn tiếp tục hồi hộp theo dõi những nước đi tiếp theo của vị tổng thống Mỹ – người luôn khiến mọi dự đoán trở nên bất khả thi.
Thùy Linh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//the-gioi/tong-thong-donald-trump-phanh-gap-hoan-thue-quan-90-ngay-1106027.html