Tổng thống Donald Trump và trò chơi mặc cả quyền lực

Tổng thống Donald Trump và trò chơi mặc cả quyền lực
10 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Đàm phán, mặc cả và tái định hình trật tự quốc tế
Trong một cuộc họp gây tranh cãi hồi tháng 2, Tổng thống Trump nói với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky “Ông không có quân bài!”. Giới chuyên gia cho rằng, câu nói phản ánh rõ quan điểm nhất quán của ông Trump: thế giới là một ván bài và chính sách đối ngoại là trò chơi mặc cả quyền lực.
Theo cách nhìn đó, mỗi quốc gia sở hữu những “quân bài” riêng, từ vũ khí hạt nhân, tài nguyên chiến lược cho đến tiềm lực kinh tế và đàm phán quốc tế là nơi các bên đặt cược, gây áp lực hoặc rút lui tùy hoàn cảnh. Với ông Trump, đàm phán không nhằm đạt được đồng thuận, mà là cuộc đấu trí, nơi kẻ mạnh sẽ giành lợi thế.
Trong bối cảnh đó, xung đột Ukraine không chỉ là một vấn đề địa chính trị, mà còn là công cụ chiến lược phục vụ mục tiêu nội bộ. Việc thúc đẩy hòa bình có thể giúp ông Trump củng cố vị thế chính trị trong nước, đặc biệt là để đối trọng với nhóm “diều hâu” trong Đảng Cộng hòa - những người vẫn trung thành với đường lối can thiệp toàn cầu kiểu George W. Bush và ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Kiev.
Từ khi tái xuất chính trường, ông Trump thể hiện rõ sự hoài nghi về giá trị chiến lược của Ukraine với Mỹ. Với ông, đây là một “quân bài có thể thương lượng”, chứ không phải ưu tiên chiến lược lâu dài. Ông chủ trương để các bên liên quan trực tiếp đàm phán, trong khi Washington, dù vẫn duy trì viện trợ quân sự và trừng phạt Nga, sẽ không còn giữ vai trò trung gian toàn diện.
Đáng chú ý, ông Trump thường đặt ra thời hạn cho tiến trình đàm phán, như một thông điệp rằng sự kiên nhẫn của Mỹ là có giới hạn. Dù các mốc thời gian này liên tục thay đổi, chúng phản ánh rõ giới hạn trong mức độ cam kết của Washington dưới thời Trump. Trong cách tiếp cận đó, Mỹ có thể ngồi vào bàn đàm phán, nhưng cũng sẵn sàng rời đi bất cứ lúc nào.
Phong cách ngoại giao “đàm phán trong một giờ” - mà ông Trump từng tự hào - cho thấy một đường lối cá nhân hóa mạnh mẽ: nhanh gọn, quyết liệt và hướng đến kết quả tức thì. Và trong khi Washington tuyên bố vai trò trung gian hòa giải, thực tế cho thấy vai trò của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump vừa hiện diện, vừa mờ nhạt - như minh chứng từ cuộc điện đàm mới đây giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, diễn ra ngay sau vòng đàm phán hiếm hoi giữa Nga và Ukraine tại Istanbul sau ba năm gián đoạn.
“Ván bài một giờ” và chiến lược tái định hình cuộc xung đột Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với nhau. Ảnh: Reuters
Những cuộc điện đàm liên tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không chỉ đơn thuần là ngoại giao hình thức. Theo giới phân tích, đây là những bước đi chiến lược trong “ván bài toàn cầu” mà ông Trump đang theo đuổi, với phong cách đàm phán quen thuộc: nhanh gọn, thực dụng và hướng đến lợi ích tối đa cho Mỹ.
Trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Trump được cho là đã đề xuất một phương án trung gian cho tiến trình hòa đàm: không yêu cầu ngừng bắn trước khi đàm phán như lập trường của Kiev, cũng không ủng hộ đàm phán vô điều kiện như yêu cầu từ Moscow. Thay vào đó, ông đề xuất một “gói đàm phán tổng thể”, nơi các nguyên tắc thỏa thuận được phác thảo dưới dạng bản ghi nhớ, đồng thời xem xét các điều kiện cụ thể để tạm dừng giao tranh. Giải pháp này vừa làm mềm lập trường của Nga khi không đòi hỏi cam kết pháp lý ngay từ đầu, vừa gián tiếp bác bỏ quan điểm cứng rắn của Ukraine và một số nước châu Âu.
Theo các chuyên gia, bản chất của chiến lược này là chuyển phần lớn trách nhiệm giải quyết xung đột về tay Nga và Ukraine, trong khi Mỹ giữ vai trò “người đàm phán trong một giờ” - tức chỉ can thiệp khi cần, nhất là ở các điểm nóng như an toàn hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia. Dù không trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán, Washington vẫn duy trì đòn bẩy đáng kể thông qua viện trợ, trừng phạt kinh tế và thông tin tình báo.
Đặc biệt, ông Trump còn sử dụng “quân bài Ukraine” để thử thách sự đoàn kết nội khối của châu Âu. Sau cuộc điện đàm với ông Putin ngày 19/5, ông không gọi cho Thủ tướng Anh Keir Starmer - một nhân vật trung tâm trong liên minh ủng hộ Ukraine - mà thay vào đó, liên lạc với Thủ tướng Ý và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Đáng chú ý, ông cũng trao đổi với Tổng thống Phần Lan, quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch OSCE năm nay, một tổ chức khu vực ngoài EU.
Thông điệp ở đây rất rõ ràng: ông Trump tìm cách định hình lại cấu trúc an ninh châu Âu không thông qua khối EU, mà thông qua các kênh đa phương chọn lọc, từ đó khoét sâu những khác biệt nội khối và giảm sự phụ thuộc vào “lập trường chung” châu Âu.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, nếu có bên giành chiến thắng bước đầu trong ván cờ này, có lẽ đó là Nga. Bằng việc tham gia vào tiến trình do ông Trump khởi xướng, Moscow không chỉ duy trì vai trò chủ động mà còn phơi bày những giới hạn trong năng lực điều hành và kiểm soát của Ukraine. Đảng Cộng hòa nếu tái định hình theo hướng bớt can thiệp cũng có thể mở ra một chương mới cho quan hệ Mỹ-Nga, ít đối đầu hơn trong trung hạn. Quan trọng hơn, Nga vẫn giữ vững các “quân bài chiến lược”: yêu cầu không mở rộng NATO, công nhận hiện trạng lãnh thổ và bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine. Nếu những vấn đề này được đưa vào “gói đàm phán” như ông Trump đề xuất, Moscow có thể giành được vị thế mặc cả không nhỏ trong giai đoạn tới.
HÙNG ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/tong-thong-donald-trump-va-tro-choi-mac-ca-quyen-luc-412105.html