Ngày 13/7, Tổng thống Cameroon, Paul Biya, 92 tuổi, nguyên thủ quốc gia được cho là cao tuổi nhất thế giới, đã tuyên bố ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống nước này sẽ diễn ra ngày 12/10 tới.
Tuyên bố cho biết, đảm bảo an ninh và cuộc sống hạnh phúc cho người dân là sứ mệnh thiêng liêng mà ông đã dành tâm sức để đạt được, kể từ lần đầu tiên nhậm chức vào đầu tháng 11/1982 và nỗ lực đó đã có những kết quả này rõ ràng, hữu hình trên thực tế.
Tuy nhiên, sự nghiệp của ông vẫn còn dang dở. Trong bối cảnh môi trường quốc tế phức tạp ngày nay, những thách thức mà đất nước phải đối mặt ngày càng cấp bách hơn. Và do vậy, ông không thể “trốn tránh sứ mệnh” của mình trước kêu gọi của những người ủng hộ trên khắp 10 vùng miền của đất nước.
“Xin hãy yên tâm rằng, quyết tâm phục vụ các bạn của tôi tương xứng với những thách thức nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt. Sự hạnh phúc của phụ nữ và giới trẻ sẽ là trọng tâm trong các ưu tiên của tôi. Cùng nhau, không có thử thách nào chúng ta không thể vượt qua. Những điều tốt đẹp nhất vẫn đang ở phía trước.”, đương kim Tổng thống Cameroon chia sẻ.
Ông Biya đã lên nắm quyền cách đây hơn 4 thập kỷ vào đầu tháng 11/1982, khi người tiền nhiệm của ông, Ahmadou Ahidjo, từ chức. Với việc tìm kiếm một nhiệm kỳ 7 năm mới, nhiệm kỳ thứ 8, có thể giúp ông Biya tại vị cho đến khi gần 100 tuổi.
Tổng thống Cameroon, Paul Biya. Ảnh: AA.
Sức khỏe của ông là chủ đề thường xuyên gây đồn đoán, trong đó lần gần đây nhất vào năm ngoái khi ông không xuất hiện trước công chúng suốt 42 ngày.
Việc ông tái tranh cử đã được dự đoán rộng rãi nhưng chỉ được xác nhận trong tuyên bố chính thức của ông vào ngày 13/7.
Kể từ năm ngoái, các thành viên của Phong trào Dân chủ nhân dân Cameroon (CPDM) cầm quyền và những người ủng hộ khác đã công khai kêu gọi ông Biya tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số nhóm xã hội dân sự cho rằng, thời gian cầm quyền quá dài của ông đã kìm hãm sự phát triển kinh tế và dân chủ.
Hai đồng minh cũ đã rời khỏi liên minh cầm quyền và tuyên bố kế hoạch tranh cử riêng.
“Việc Tổng thống Biya tuyên bố tái tranh cử là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình chuyển đổi chính trị đang bị đình trệ tại Cameroon. Sau hơn 40 năm cầm quyền, điều đất nước cần là sự đổi mới chứ không phải là sự lặp lại. Người dân Cameroon xứng đáng được hưởng sự chuyển đổi dân chủ và một nền lãnh đạo có trách nhiệm.”, Nkongho Felix Agbor, một nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, bày tỏ.
Thông báo hôm 13/7 khả năng sẽ khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề năng lực của ông Biya trong vai trò nguyên thủ quốc gia.
Ông Biya và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nga- châu Phi lần thứ 2, ngày 28/7/2023. Ảnh: Pavel Bednyakov/Sputnik.
Ông Biya hiếm khi xuất hiện trước công chúng, thường giao phó trách nhiệm cho Chánh văn phòng Tổng thống đầy quyền lực.
Tháng 10 năm ngoái, ông trở về Cameroon sau 42 ngày vắng mặt, khiến thiên hạ đồn đoán ông có vấn đề về sức khỏe. Chính phủ tuyên bố ông vẫn ổn nhưng nghiêm cấm mọi thảo luận về sức khỏe của ông, với lý do đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Biya đã bãi bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ vào năm 2008, mở đường cho ông tranh cử vô thời hạn các nhiệm kỳ tiếp theo.
Kể từ khi giành độc lập từ Pháp và Anh vào đầu những năm 1960, cho đến nay, quốc gia ca cao và dầu mỏ ở Trung Phi chỉ có 2 đời tổng thống.
Cùng với ông Biya, một số nhân vật đối lập cũng đã tuyên bố ý định tranh cử, bao gồm người về nhì trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 Maurice Kamto của Phong trào Phục hưng Cameroon; Joshua Osih của Mặt trận Dân chủ xã hội; luật sư Akere Muna và ông Cabral Libii của đảng Hòa giải dân tộc Cameroon.
Tất cả ngững ứng cử viên này đều chỉ trích thời gian nắm quyền quá lâu của ông Biya và kêu gọi cải cách để đảm bảo một cuộc bỏ phiếu công bằng vào năm 2025.
Dưới thời ông Biya, Cameroon phải đối mặt với những thách thức kinh tế và tình trạng bất ổn trên nhiều mặt trận, bao gồm xung đột ly khai kéo dài ở các khu vực nói tiếng Anh của đất nước và các cuộc tấn công liên tục của nhóm vũ trang Boko Haram ở phía Bắc.
Văn Phong/Aljazeera