Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bước bước vào giai đoạn nước rút để củng cố di sản. (Nguồn: Getty Images)
Những điều ông Biden còn có thể làm
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bước bước vào giai đoạn nước rút để củng cố di sản trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.
Những diễn biến trong hai tuần qua cho thấy Tổng thống Biden đang dành ưu tiên cho 3 vấn đề: Một là, các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông. Hai là, các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong một số lĩnh vực như sản xuất vật liệu bán dẫn và phát triển năng lượng tái tạo. Ba là, bổ nhiệm một số thẩm phán có quan điểm thân Dân chủ.
Sau nhiều tháng phát đi những tín hiệu trái chiều, ngày 17/11, Tổng thống Biden đã quyết định cho phép quân đội Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS) do Mỹ cung cấp để tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga, với mục tiêu “cải thiện vị thế của Ukraine tại bàn đàm phán”.
Tiếp đó, ngày 20/11, một số hãng thông tấn, báo chí Mỹ như AP cho biết Mỹ sẽ sớm cung cấp cho quân đội Ukraine một cơ số mìn chống bộ binh (trước đây Mỹ chỉ cung cấp cho Ukraine mìn chống tăng) để đẩy lùi hoặc làm chậm đà tiến quân của Nga.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tích cực hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể chuyển giao cho Ukraine các gói viện trợ với tổng giá trị 7,1 tỷ USD trước tháng 1/2025.
Đối với Trung Đông, Financial Times gần đây dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden gần như đã từ bỏ kỳ vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas trước thời điểm chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.
Thay vào đó, Tổng thống Joe Biden và đội ngũ quan chức phụ trách khu vực Trung Đông đang dồn sức thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hezbollah. Theo đó, lực lượng Hezbollah sẽ rút quân khỏi khu vực tranh chấp với Israel và cho phép hàng chục nghìn người dân sơ tán được trở về sinh sống tại khu vực biên giới Israel-Lebanon.
Ngày 19/11, Tổng thống Biden đã cử đặc phái viên tới khu vực Trung Đông (cố vấn cao cấp Amos Hochstein), báo chí cho biết các cuộc trao đổi diễn ra “khá tích cực” và việc các bên đi đến thỏa thuận là có thể đạt được.
Bảo đảm di sản không bị đảo ngược
Song song với việc củng cố các di sản về chính trị - an ninh, Tổng thống Biden cùng đội ngũ quan chức, cố vấn phụ trách kinh tế đang đẩy nhanh việc triển khai các gói kích thích sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng trong và ngoài nước, bảo đảm rằng các khoản đầu tư trị giá hàng trăm nghìn tỷ USD được thông qua dưới thời ông Biden sẽ không bị chính quyền ông Trump hủy bỏ hoặc đảo ngược.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Politico, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khẳng định quyết tâm giải ngân tối đa số tiền được phân bổ theo Đạo luật CHIPS năm 2022 (50 tỷ USD), đồng thời cho biết bà đã chỉ đạo các đơn vị làm việc liên tục để vận động các doanh nghiệp bán dẫn sớm tiến tới thỏa thuận với chính quyền.
Tương tự, Cố vấn cao cấp về khí hậu John Podesta tăng cường kết nối với các đối tác nước ngoài (mới đây nhất là tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc) để đẩy nhanh quá trình giải ngân khoản tiền 369 tỷ USD được phân bổ cho lĩnh vực phát triển năng lượng sạch trong khuôn khổ Luật giảm lạm phát 2022 của Mỹ.
Ngoài ra, CNN cho biết đội ngũ của Tổng thống Biden đã và đang phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer (thuộc đảng Dân chủ - bang New York) để thúc đẩy Thượng viện Mỹ thông qua các ứng cử viên cho các vị trí tư pháp mà Tổng thống Biden đề cử.
Ngày 21-22/11, một số trang báo Mỹ như AP và Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết lãnh đạo của hai đảng tại Thượng viện đã đi đến một thỏa thuận, theo đó, phe Dân chủ đồng ý sẽ không tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn 4 ứng cử viên thẩm phán tòa phúc thẩm do ông Biden đề cử trong thời gian làm việc còn lại của Quốc hội Khóa 118. Đổi lại, phe Cộng hòa đồng ý tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn 7 ứng viên thẩm phán tòa án quận trong tuần đầu tháng 12, sau Lễ Tạ ơn và thêm 6 ứng viên nữa cũng trong tháng 12.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20 ở Nhật Bản năm 2019. (Nguồn: Reuters)
Ông Trump sẽ có cách tiếp cận khác biệt
Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có những bước đi "chính ngạch" để tạo bước chuyển trong tình hình Nga-Ukraine thì Tổng thống đắc cử Trump đã dần hé mở cách tiếp cận với vấn đề quan trọng này.
Phát biểu trên Fox News hôm 24/11, ông Mike Waltz, người được Tổng thống đắc cử Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia nhấn mạnh, ưu tiên chính của chính quyền sắp tới là tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, với mục đích đưa cả hai bên lại với nhau để đàm phán lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.
"Chúng ta cần thảo luận xem ai sẽ tham gia bàn đàm phán này, liệu đó sẽ là một thỏa thuận hay hiệp định đình chiến, làm thế nào để đưa cả hai bên vào bàn đàm phán và sau đó là phạm vi của thỏa thuận là gì", ông nói.
Ông Waltz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lôi kéo các đồng minh châu Âu của Mỹ vào quá trình này. Ông cho biết: "Tất cả các đồng minh và đối tác của chúng ta cần chia sẻ gánh nặng này", đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết xung đột sẽ cần đến sự hợp tác quốc tế.
Là một đại tá đã nghỉ hưu và là chuyên gia về an ninh quốc gia, ông Waltz tin rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Trump sẽ hành động nhanh chóng để khôi phục khả năng răn đe và chấm dứt xung đột.
Theo một số quan chức thân cận, Tổng thống đắc cử Trump, dù nổi tiếng với tính cách dễ kích động, vẫn giữ nguyên bản chất của "bậc thầy thương thuyết" như từng thể hiện trong cuốn Nghệ thuật đàm phán của ông. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã nỗ lực đạt các thỏa thuận với nhiều đối thủ của Mỹ trên thế giới và dường như đang chuẩn bị tiếp tục con đường đó.
Tuy nhiên, vấn đề là thách thức đối với ông Trump ngày càng lớn, khi sau 4 năm kể từ khi ông rời Nhà Trắng, thế giới căng thẳng hơn với các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.
Bài toán Trung Đông thêm khó
Khi nói đến xung đột Israel ở Gaza và Lebanon, ông Trump đã ám chỉ với cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà đàm phán cấp cao tại Qatar rằng ông ủng hộ các kế hoạch quân sự của Tel Aviv, nhưng muốn "mọi việc hoàn tất" trước khi ông nhậm chức.
Tuy nhiên, dù ông Netanyahu được cho là sẽ sẵn sàng nhượng bộ ông Trump hơn so với ông Biden, thì nhà lãnh đạo Israel cũng đang ở vị thế chính trị mạnh mẽ hơn. Sau các chiến dịch thành công trước Hezbollah và Hamas, ông Netanyahu đã củng cố sự ủng hộ trong nội các của mình, giúp ông có khả năng tiếp tục nắm quyền trong ít nhất một năm nữa.
Tờ Washington Post gần đây đưa tin rằng Israel đang chuẩn bị một thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah ở Lebanon như một "món quà" cho nhậm chức của ông Trump. Song, ông Netanyahu cũng khẳng định rằng Israel sẽ tiếp tục hoạt động quân sự chống lại Hezbollah bất chấp các lệnh ngừng bắn.
Ngoài ra, chính quyền Israel công khai thảo luận về việc sáp nhập Bờ Tây, điều chắc chắn sẽ kéo dài xung đột và đóng băng khả năng bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel, cốt lõi của một thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn trong khu vực.
(theo AP, CNN, Washington Post)
Vy Anh