Tổng thống Mỹ đối đầu với Chủ tịch Fed:Viễn cảnh bất ổn cho nền kinh tế

Tổng thống Mỹ đối đầu với Chủ tịch Fed:Viễn cảnh bất ổn cho nền kinh tế
19 giờ trướcBài gốc
Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đang chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại leo thang, khiến các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực trong phiên giao dịch đầu tuần và tiếp tục lao dốc sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất. Ảnh: Getty
Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social ngày 21-4, Tổng thống Donald Trump cho rằng, chi phí đang có xu hướng giảm và lạm phát gần như không còn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại nếu Fed không hạ lãi suất ngay lập tức.
Ngay sau tuyên bố này, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tiêu cực. Các chỉ số giờ mở cửa thấp hơn trong phiên giao dịch đầu tuần và tiếp tục lao dốc. Chỉ số S&P 500 giảm 2% trong ngày, giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về áp lực chính trị ngày càng gia tăng đối với Fed.
Căng thẳng giữa ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Fed Jerome Powell không phải là câu chuyện mới, song mức độ chỉ trích ngày càng gay gắt đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tính độc lập của Ngân hàng Trung ương. Trước đó, hôm 18-4, một cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump cho biết, chính quyền đang xem xét khả năng loại bỏ ông Jerome Powell khỏi vị trí hiện tại.
Phát biểu của Tổng thống Donald Trump đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Fed cảnh báo các mức thuế mà Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang áp đặt đối với hầu hết đối tác thương mại sẽ đẩy giá cả lên cao, hạn chế tăng trưởng kinh tế và có thể khiến Fed rơi vào tình thế phải lựa chọn giữa việc kiểm soát lạm phát và bảo vệ việc làm.
Hiện tại, Fed đang giữ nguyên lãi suất cơ bản trong biên độ 4,25-4,5%, sau một số đợt cắt giảm vào cuối năm ngoái. Lãi suất của Fed có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay của doanh nghiệp và cá nhân, tác động đến nhiều lĩnh vực, như thế chấp nhà ở hay tín dụng tiêu dùng. Kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông Jerome Powell đã giữ Fed ở “chế độ chờ”, nghĩa là cơ quan này cần thời gian để xem xét sự ảnh hưởng đến nền kinh tế của thuế quan và chính sách nhập cư mà nhà lãnh đạo Mỹ áp dụng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Jerome Powell, quy mô và tốc độ áp dụng thuế quan của ông Donald Trump đã khiến Fed cũng bất ngờ. Mức tăng thuế quan được công bố cho đến nay lớn hơn đáng kể so với dự kiến, trong khi Fed vẫn đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao hơn mục tiêu 2% và nguy cơ thuế quan có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Ông Jerome Powell, một thành viên đảng Cộng hòa, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed vào năm 2018 và được biết đến với cách tiếp cận chính sách tiền tệ theo hướng trung dung.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nhiều lần cảnh báo các quan chức Nhà Trắng rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm sa thải Chủ tịch Jerome Powell đều có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Nhiều chuyên gia pháp lý, như Giáo sư Peter Conti-Brown từ Đại học Wharton cho rằng, Tổng thống Mỹ không thể sa thải ông Jerome Powell chỉ vì bất đồng quan điểm về chính sách. Việc bãi nhiệm cần có lý do và có thể liên quan đến sự chấp thuận của Thượng viện, khiến động thái này vừa phức tạp về mặt pháp lý, vừa gây tranh cãi.
Ngoài ra, việc sa thải ông Jerome Powell có thể khiến thị trường hoảng loạn, làm xói mòn niềm tin vào sự độc lập của Fed - một nguyên tắc cốt lõi giúp Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì uy tín và hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ, giữ ổn định kinh tế.
Fed được thành lập để hoạt động độc lập với nhánh hành pháp. Các quyết định của Fed tác động đến lãi suất, lạm phát, dòng vốn và giá trị tiền tệ. Vào thời điểm căng thẳng về thuế quan đang gây sức ép lên nền kinh tế, quyền tự chủ của Ngân hàng Trung ương được coi là rất quan trọng.
Do đó các chuyên gia kinh tế nhận định, nỗ lực làm suy yếu sự độc lập của Fed có thể mang lại lợi ích chính trị ngắn hạn, nhưng cái giá phải trả có thể là sự mất ổn định dài hạn của nền kinh tế Mỹ và thậm chí là nguy cơ suy giảm niềm tin toàn cầu vào hệ thống tài chính của nước này.
(Theo Finance, Politico, The Guardian, Business-standard)
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tong-thong-my-doi-dau-voi-chu-tich-fed-vien-canh-bat-on-cho-nen-kinh-te-700022.html