Tại Hội nghị thượng đỉnh AI ở Washington ngày 24/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan mới, với khung cơ sở từ 15% đến 50%, thay thế mức thuế 10% được áp dụng từ tháng 4 trong kế hoạch “Ngày giải phóng”. Ông nhấn mạnh mức cao nhất sẽ áp dụng cho những quốc gia mà “Mỹ không có mối quan hệ tốt đẹp”, đồng thời tuyên bố không giảm thuế xuống dưới 15%.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Mỹ ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, trong đó Tokyo đồng ý mức thuế 15% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ. Thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang được đàm phán khẩn trương, với kỳ vọng giảm mức thuế từ 30% xuống 15%.
Tổng thống Donald Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế quan mới nhất của mình, mô tả chúng là các mức thuế "có đi có lại" trước thời hạn là ngày 1 tháng 8.
Tờ Financial Times cho biết EU đã phê duyệt gói trả đũa trị giá hơn 100 tỷ USD nếu đàm phán thất bại, tạo sức ép lớn lên bàn thương lượng.
Tổng thống Donald Trump tiết lộ Mỹ đã đạt thỏa thuận với Philippines với mức thuế 19% và đang hướng tới việc giảm xuống 15% nếu nước này mở cửa thêm cho hàng hóa Mỹ. Indonesia cũng đồng ý mức thuế 19% và mức 40% cho hàng hóa “trung chuyển” có nguồn gốc từ nước thứ ba.
Đặc biệt, Nhà Trắng đang tăng cường đàm phán với Hàn Quốc, với mục tiêu đưa mức thuế ô tô và các sản phẩm công nghiệp về mức cơ bản 15%.
Theo các nguồn tin cho thấy, Việt Nam lo ngại xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm tới 30% nếu mức thuế mới được áp dụng đầy đủ. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn đang thương lượng để giảm mức thuế dự kiến 25-35% mà Trump đã cảnh báo.
Ông Trump nhấn mạnh: “Chúng ta có hơn 200 quốc gia, không thể đàm phán riêng với tất cả. Chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế đơn giản, trực tiếp để bảo vệ lợi ích của Mỹ”.
Ngoài EU, Canada cũng nằm trong nhóm nước đang được “soi xét” kỹ lưỡng. Thỏa thuận thương mại song phương với Canada vẫn chưa hoàn tất, trong khi mức thuế từ 25% đến 35% đang được đưa vào phương án dự phòng.
Kể từ tháng 4, ông Trump đã gửi hàng trăm “lá thư thuế” như công cụ thương lượng với các đối tác, coi đó là “thỏa thuận sơ bộ”. Dù vẫn mở cửa cho các quốc gia đàm phán để giảm thuế, ông Trump nhiều lần khẳng định “sẽ không gia hạn thêm thời gian” sau mốc 1/8.
Các chuyên gia nhận định mức thuế 15-50% sẽ tạo ra biến động lớn trong thương mại quốc tế. Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu từ châu Á tới châu Âu đang rà soát chuỗi cung ứng để tránh rủi ro.
Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết các nước Mỹ Latinh, Caribe và nhiều quốc gia châu Phi sẽ giữ mức thuế 10%, nhưng với khả năng điều chỉnh lên 15% tùy tình hình đàm phán.
Ông Trump khẳng định: “Nếu EU mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ, họ sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn. Ngược lại, các quốc gia không hợp tác sẽ phải đối mặt với mức thuế cao nhất”.
Thành An