Tổng thống Mỹ hủy đàm phán, dọa áp thuế bổ sung 50% với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ hủy đàm phán, dọa áp thuế bổ sung 50% với Trung Quốc
9 ngày trướcBài gốc
* EU ưu tiên đàm phán với Mỹ để dỡ bỏ thuế quan thay vì trả đũa
Ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ áp thuế bổ sung 50% lên hàng hóa từ Trung Quốc nếu nước này không rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với Mỹ.
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng thời hạn rút lại thuế là ngày 8/4, và nếu Trung Quốc không làm như vậy, mức thuế bổ sung của chính quyền ông - sẽ đẩy tổng thuế suất lên trên 100% - sẽ có hiệu lực vào ngày hôm sau.
Trên trang Truth Social, ông Trump nêu rõ: "Hôm qua, Trung Quốc đã ban hành mức thuế trả đũa 34%, bên cạnh mức thuế cao kỷ lục hiện có của họ, các rào cản phi thuế quan, việc trợ cấp bất hợp pháp cho các công ty, và thao túng tiền tệ quy mô lớn kéo dài - bất chấp cảnh báo của tôi rằng bất kỳ quốc gia nào trả đũa Mỹ bằng cách áp thêm thuế, vượt quá mức lạm dụng thuế quan lâu dài họ đã áp đặt lên quốc gia chúng ta, sẽ lập tức phải đối mặt với mức thuế mới và cao hơn đáng kể, vượt quá mức ban đầu đã đặt ra.
Do đó, nếu Trung Quốc không rút lại mức tăng 34% bên cạnh những lạm dụng thương mại lâu dài của họ vào ngày mai, 8/4/2025, Mỹ sẽ áp thuế BỔ SUNG 50% lên Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9/4.
Thêm vào đó, mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc về các cuộc họp mà họ yêu cầu với chúng ta sẽ bị chấm dứt! Các cuộc đàm phán với các nước khác, những nước cũng đã yêu cầu gặp mặt, sẽ bắt đầu diễn ra ngay lập tức".
Đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Trump cho biết trong thông báo tuần trước rằng Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế 34%, sẽ cộng thêm vào mức thuế 20% mà ông đã áp đặt lên Trung Quốc kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1.
Cũng trong ngày 7/4, ông Trump đã loại trừ khả năng tạm dừng các mức thuế mới công bố gần đây mặc dù chúng đã gây chấn động nền kinh tế toàn cầu. Trả lời phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ khẳng định: "Chúng tôi không xem xét điều đó. Chúng tôi có nhiều, rất nhiều quốc gia đang đến đàm phán các thỏa thuận với chúng tôi", đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ phải "công bằng".
Trong diễn biến khác, ngày 7/4, các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí việc khối này nên ưu tiên đàm phán để xóa bỏ thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, thay vì trả đũa, dù khối đã chuẩn bị một loạt biện pháp đối phó.
Khối 27 quốc gia này phải đối mặt với mức thuế 25% dành cho nhôm, thép và ôtô, cũng như mức thuế đối ứng 20% với hầu hết các hàng hóa khác, kể từ ngày 9/4. Các bộ trưởng thương mại EU đã họp tại Luxembourg để thảo luận phản ứng chung của khối, cũng như thảo luận mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng ưu tiên của EU là tiến hành đàm phán với Washington và ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Reinette Klever khẳng định sự cần thiết phải giữ bình tĩnh và phản ứng theo cách giảm căng thẳng.
Theo bà, thị trường chứng khoán hiện tại cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu leo thang ngay lập tức, song EU sẽ phải chuẩn bị các biện pháp đối phó nếu cần để đưa Mỹ vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc đàm phán với Washington cho đến nay khá khó khăn. Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic đã mô tả cuộc trao đổi kéo dài 2 giờ của ông với các đối tác Mỹ vào ngày 4/4 là "thẳng thắn" khi ông nói với họ rằng mức thuế quan mà Washington đưa ra là "gây tổn hại, vô lý".
Trong tuần này, EU có thể sẽ thông qua một loạt biện pháp đối phó ban đầu có mục tiêu đối với lượng hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá 28 tỉ USD, từ chỉ nha khoa đến kim cương, nhằm đáp trả mức thuế áp đối với nhôm và thép, thay vì các mức thuế đối ứng trên quy mô rộng hơn.
Tuy nhiên, động thái này cũng khá nguy hiểm vì ông Trump dọa áp thuế trả đũa 200% đối với đồ uống có cồn của EU nếu khối này áp dụng mức thuế 50% đối với rượu bourbon của Mỹ. Tiếp đó, EU dự kiến đưa ra gói biện pháp đối phó lớn hơn vào cuối tháng 4, nhằm phản ứng thuế suất đối với ô tô và thuế đối ứng của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin cho rằng không nên có điều cấm kỵ nào, bao gồm cả Công cụ chống cưỡng ép của EU (ACI), cho phép EU nhắm vào các dịch vụ của Mỹ hoặc hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Mỹ đối với các cuộc đấu thầu mua sắm công tại EU.
Tuy nhiên, ông Simon Harris, Ngoại trưởng của Ireland - nơi có gần 1/3 lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, cho rằng ACI là "một lựa chọn hạt nhân". Ông bày tỏ tin tưởng rằng quan điểm của đa số EU là không nên áp dụng, ít nhất là hiện tại. Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết EU nên nhận ra rằng họ đang ở vị thế mạnh nếu đoàn kết. Phát biểu tại Luxembourg, ông Habeck khẳng định: "Thị trường chứng khoán đã sụp đổ và thiệt hại có thể còn lớn hơn nữa... Nước Mỹ đang ở thế yếu".
Trong diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra đề xuất áp mức thuế trả đũa 25% lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này được xem là phản ứng trực tiếp đối với các mức thuế mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên thép và nhôm của EU.
Các mức thuế mới này sẽ được áp dụng theo hai giai đoạn. Một số mặt hàng sẽ chịu thuế từ ngày 16/5, trong khi các mặt hàng khác sẽ bị đánh thuế từ ngày 1/12. Danh sách các mặt hàng chịu thuế rất đa dạng, bao gồm kim cương, trứng, chỉ nha khoa, xúc xích, gia cầm, hạnh nhân và đậu nành.
Ủy viên Thương mại EU, ông Maros Sefcovic, cho biết các biện pháp trả đũa này sẽ có tác động kinh tế nhỏ hơn so với mức 26 tỉ euro (28,45 tỉ USD) được đề xuất ban đầu. Nguyên nhân là do EU đã lắng nghe ý kiến từ các quốc gia thành viên và điều chỉnh danh sách hàng hóa chịu thuế cho phù hợp.
Đáng chú ý, các mặt hàng như rượu bourbon, rượu vang và sản phẩm từ sữa đã bị loại khỏi danh sách thuế trả đũa. Điều này cho thấy EU đang cố gắng giảm thiểu rủi ro leo thang căng thẳng thương mại, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp mức thuế 200% lên đồ uống có cồn của EU nếu khối này đánh thuế rượu bourbon.
Việc loại bỏ các mặt hàng trên cũng cho thấy EU đang nỗ lực tránh gây tổn hại đến các ngành công nghiệp quan trọng của một số quốc gia thành viên, như Pháp và Italy, vốn nổi tiếng với ngành sản xuất rượu vang.
Bên cạnh các biện pháp trả đũa thuế quan, EU cũng đã áp dụng các biện pháp bảo vệ khác đối với ngành thép. Từ ngày 1/4, EU đã giảm 15% lượng thép nhập khẩu và đang xem xét áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với nhôm.
Các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ bỏ phiếu về đề xuất thuế trả đũa này vào ngày 9/4. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định bước đi tiếp theo của EU trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Động thái của EU cho thấy khối này đang ngày càng quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình trước các chính sách thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, việc leo thang căng thẳng thương mại giữa hai bên có thể gây ra những hậu quả khó lường cho nền kinh tế toàn cầu.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/quoc-te/202504/tong-thong-my-huy-dam-phan-doa-ap-thue-bo-sung-50-voi-trung-quoc-5d40b45/