Tổng thống Donald Trump4. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/4 đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc vốn đang ở mức rất cao, bằng cách trao cho các bang nhiều quyền tự quyết hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung giá rẻ ở nước ngoài và cải thiện quy trình đàm phán giá.
Theo đó, sắc lệnh chỉ đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép nhiều bang được nhập khẩu thuốc trực tiếp từ các quốc gia có giá thấp hơn.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt đề nghị của bang Florida về việc nhập khẩu thuốc từ Canada (Ca-na-đa) vào năm ngoái, nhưng không có bang nào khác được phép thực hiện các thỏa thuận tương tự.
Sắc lệnh mới cũng điều chỉnh Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua dưới thời ông Biden. Đạo luật này đã lần đầu tiên cho phép chương trình bảo hiểm y tế Medicare dành cho người cao tuổi được đàm phán giá của một số loại thuốc nhất định.
Mục đích của những thay đổi này nhằm xóa bỏ sự khác biệt trong quy định đàm phán giá giữa thuốc dạng viên và thuốc dạng tiêm - một sự chênh lệch mà các nhà chỉ trích cho rằng có thể gây tổn hại cho việc đầu tư vào các sản phẩm thuốc uống.
Theo Đạo luật IRA, Medicare có thể đàm phán giá đối với các loại thuốc "phân tử nhỏ" mà bệnh nhân dùng qua đường uống, chẳng hạn như ibuprofen, sau 9 năm kể từ khi thuốc được FDA phê duyệt. Các loại thuốc sinh học "phân tử lớn" như liệu pháp dựa trên gen và thuốc điều hòa nội tiết tố chỉ có thể được đàm phán sau 13 năm.
Sắc lệnh không nêu rõ sự chênh lệch này sẽ được giải quyết như thế nào.
Các quan chức cho biết sắc lệnh này cũng không sử dụng quy chế "tối huệ quốc" vốn sẽ buộc các công ty dược phẩm phải chào bán mức giá thấp nhất của họ tại Mỹ.
Các cải cách trong Đạo luật IRA của ông Biden đã dẫn đến việc cắt giảm chi phí của 10 loại thuốc chủ chốt thông qua các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt với các hãng dược phẩm.
Vài ngày trước khi rời nhiệm sở, vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ này đã công bố thêm 15 loại thuốc mà chính phủ sẽ đàm phán giá thấp hơn với các công ty dược phẩm. Các mức giá được đàm phán thành công sẽ có hiệu lực vào năm 2027.
Hương Thủy (Theo AFP)