Ông Trump cho biết ông đã dành hơn một giờ đồng hồ để nói chuyện điện thoại với Tổng thống Putin và khẳng định “chúng tôi đang trên con đường đạt được hòa bình". Ông lưu ý rằng sau đó ông đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nhưng không cam kết liệu Ukraine có tham gia bình đẳng vào các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Nga hay không. "Tôi nghĩ Tổng thống Putin muốn hòa bình, Tổng thống Zelenskyy muốn hòa bình và tôi muốn hòa bình", Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục. "Mọi người thực sự không biết Tổng thống Putin nghĩ gì. Nhưng tôi có thể nói một cách rất tự tin rằng ông ấy cũng muốn chiến tranh kết thúc, vì vậy chúng tôi sẽ nỗ lực để kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt”.
Nguồn: INT
Ông Trump lưu ý rằng ông "có thể" sẽ gặp trực tiếp Putin trong thời gian tới, ám chỉ rằng điều đó có thể xảy ra ở Ảrập Xêút.
Đây là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng trước. Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết, họ hy vọng "cuộc trao đổi" tù nhân hôm 11.2 có thể báo hiệu những nỗ lực mới nhằm chấm dứt chiến sự vốn sắp bước sang năm thứ 4.
Trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga hôm 12.2 cùng những tuyên bố quan trọng sau đó diễn ra sau cuộc trao đổi tù nhân chóng vánh giữa hai nước hôm 11.2. Phía Nga thả giáo viên trường Pennsylvania Marc Fogel sau hơn ba năm bị giam giữ để đổi lấy tội phạm người Nga bị kết án Alexander Vinnik. Fogel đã bị bắt vào tháng 8.2021 vì tội tàng trữ cần sa và đang thụ án tù 14 năm. Ông đã bị loại khỏi các cuộc trao đổi tù nhân trước đó với Nga do chính quyền Biden đàm phán. Trong khi đó, tù nhân người Nga là Vinnik đã bị bắt vào năm 2017 tại Hy Lạp theo yêu cầu của Hoa Kỳ về tội gian lận tiền điện tử và sau đó bị dẫn độ về Hoa Kỳ, nơi anh ta đã nhận tội vào năm ngoái về tội âm mưu rửa tiền. Các viên chức cho biết Vinnik đang bị giam giữ tại California chờ được đưa đến Nga.
Nhà Trắng mô tả việc trao đổi tù nhân là bằng chứng cho thấy quá trình tan băng ngoại giao có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Trong bài đăng trên mạng xã hội kể chi tiết cuộc gọi với Putin, ông Trump viết: "Chúng tôi đã nói về thế mạnh của mỗi quốc gia và lợi ích to lớn mà một ngày nào hai nước sẽ có được khi hợp tác cùng nhau".
Ông Trump cũng lưu ý rằng họ "đồng ý để các nhóm làm việc có thể bắt đầu đàm phán ngay lập tức". Tổng thống đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Waltz và đặc phái viên Trung Đông của ông là Steven Witkoff để dẫn đầu các cuộc đàm phán đó.
Câu hỏi về vai trò của Ukraine
Tuyên bố của ông Trump đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng Washington và Moscow có thể đàm phán riêng với nhau để đạt được một thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Ukraine mà không có sự tham gia của Chính quyền Kiev. Nếu kịch bản này xảy ra, Mỹ đã đảo ngược cam kết trước đó của chính quyền Biden, vốn kiên quyết khẳng định Kiev sẽ là bên tham gia đầy đủ vào bất kỳ quyết định nào được đưa ra.
Khi được hỏi cụ thể về việc Ukraine là một thành viên bình đẳng trong tiến trình hòa bình, ông Trump trả lời mập mờ rằng: “Đó là câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ họ phải kiến tạo hòa bình”.
Trong một đòn giáng nữa vào tham vọng hướng về phương Tây của Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels rằng tư cách thành viên NATO là không thực tế đối với Ukraine.
"Cá nhân tôi không nghĩ rằng việc này thực tế", ông Trump sau đó nói về tư cách thành viên NATO của Ukraine. Ông nói thêm rằng Bộ trưởng Hegseth đã hoàn toàn đúng khi phát biểu như vậy.
Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng 2.2022, chính quyền Biden đã cùng các thành viên NATO khác tuyên bố rằng việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây là "tất yếu".
Tuy nhiên trong phát biểu hôm 12.2, ông Trump nói: "Ngay cả trước thời Tổng thống Putin, Nga đã nói rằng không đời nào họ chấp nhận Ukraine gia nhập NATO. Và tôi đồng ý với điều đó".
Phản ứng từ Kiev và Điện Kremlin
Bất chấp tất cả những diễn biến trên, Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã tỏ ra bình tĩnh. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông cho biết ông đã có "một cuộc trò chuyện có ý nghĩa" với Tổng thống Trump bao gồm thảo luận về "cơ hội đạt được hòa bình" và "sự sẵn sàng hợp tác ở cấp độ nhóm" của Kiev. “Tôi rất biết ơn Tổng thống Trump”, ông nói.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc điện đàm giữa Trump và Putin đề cập đến nhiều vấn đề, bao gồm Trung Đông và Iran, nhưng Ukraine là trọng tâm chính.
Ông Peskov cho biết Trump kêu gọi nhanh chóng chấm dứt thù địch và giải quyết hòa bình, và rằng: "Tổng thống Putin, ngược lại, nhấn mạnh đến nhu cầu loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột và nhất trí với Trump rằng có thể đạt được giải pháp lâu dài thông qua đàm phán hòa bình".
"Tổng thống Nga ủng hộ một trong những luận điểm chính của Tổng thống Hoa Kỳ rằng đã đến lúc hai nước phải hợp tác", ông Peskov nói với các phóng viên. "Tổng thống Nga đã mời Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Moscow và bày tỏ sự sẵn sàng đón tiếp các quan chức Hoa Kỳ tại Nga để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, tất nhiên bao gồm cả Ukraine".
Ukraine đã đề nghị ký một thỏa thuận với Trump để tiếp tục nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ để đổi lấy việc phát triển ngành công nghiệp khoáng sản của Ukraine - vốn có thể cung cấp nguồn nguyên tố đất hiếm có giá trị , vốn rất cần thiết cho nhiều loại công nghệ.
Ông Trump cho biết viện trợ sẽ tiếp tục được cung cấp nhưng Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đang ở Ukraine để làm việc để có được sự đảm bảo bằng văn bản rằng Hoa Kỳ sẽ được tiếp cận các nguyên tố đất hiếm, dầu khí của nước này.
Zelenskyy đã đăng dòng tweet trước đó về cuộc gặp với Bessent, nói rằng "chúng tôi coi trọng mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ" và "nỗ lực mở rộng năng lực chung của chúng tôi".
Quỳnh Vũ