Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chuyện với báo chí khi ký sắc lệnh ở Nhà Trắng, ngày 31/1. (Ảnh: Reuters)
Nếu được thành lập, quỹ đầu tư quốc gia của Mỹ có thể hoạt động tương tự như nhiều quốc gia khác, nhất là ở Trung Đông và châu Á, nơi nhiều nước đã có quỹ tương tự để đầu tư trực tiếp bằng tiền của chính phủ.
Sắc lệnh mới không nêu cụ thể mà chỉ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Thương mại chuẩn bị kế hoạch để thành lập một quỹ như vậy trong vòng 90 ngày, nêu ra các nội dung chính về "cơ chế tài trợ, chiến lược đầu tư, cơ cấu quỹ và mô hình quản trị".
Thông thường các quỹ như vậy dựa vào thặng dư ngân sách của quốc gia để đầu tư, nhưng Mỹ đang trong tình trạng thâm hụt. Việc thành lập quỹ này cũng có thể cần sự chấp thuận của Quốc hội. "Chúng tôi sẽ tạo ra rất nhiều của cải cho quỹ. Và tôi nghĩ đã đến lúc đất nước này có quỹ đầu tư quốc gia", ông Trump nói với các phóng viên ngày 3/2.
Ông Trump từng nêu ý tưởng này trong giai đoạn tranh cử, khẳng định quỹ mới có thể rót tiền cho những chương trình lớn của quốc gia, như đường cao tốc và sân bay, sản xuất và nghiên cứu y tế.
Các quan chức chính quyền chưa cho biết quỹ mới sẽ hoạt động hoặc nhận tiền như thế nào. Tổng thống Trump từng nói rằng nguồn tiền của quỹ sẽ đến từ thuế và “những nguồn thông minh khác".
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói với báo chí rằng quỹ sẽ được thành lập trong vòng 12 tháng tới. Một phương án đang được chính quyền Tổng thống Trump tính đến là chuyển đổi Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) để hoạt động tương tự như một quỹ đầu tư quốc gia, Bloomberg đưa tin.
DFC là một cơ quan chính phủ, hợp tác với khu vực tư nhân để cấp vốn cho các dự án ở nhiều nước đang phát triển.
Cuối tuần trước, ông Trump cho biết sẽ bổ nhiệm ông Benjamin Black làm người đứng đầu cơ quan phát triển này. Ông Black là con trai của Leon Black, người đồng sáng lập hãng quản lý tài sản Apollo Global Management.
Theo các báo New York Times và Financial Times, chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden cũng cân nhắc thành lập một quỹ như vậy trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng gợi ý, rằng quỹ đầu tư mới có thể mua TikTok. Số phận của ứng dụng này vẫn chưa rõ ràng kể từ khi luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc phải bán TikTok vì lý do an ninh quốc gia hoặc phải đối mặt với lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 19/1. Sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh cho phép hoãn việc thực thi luật trong 75 ngày.
Ông Trump cũng xác nhận đang đàm phán với nhiều người về việc mua TikTok và có thể sẽ đưa ra quyết định về tương lai của ứng dụng này trong tháng 2. TikTok có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ.
"Chúng tôi sẽ làm điều gì đó, có thể là với TikTok, có thể không. Nếu chúng tôi có được thỏa thuận đúng đắn, chúng tôi sẽ thực hiện. Nếu không, chúng tôi có thể đưa việc đó vào quỹ đầu tư quốc gia", ông Trump cho biết.
Bình Giang
Theo Reuters