Tổng thống Mỹ Trump loay hoay thế nào giữa Nga và Ukraine?

Tổng thống Mỹ Trump loay hoay thế nào giữa Nga và Ukraine?
một ngày trướcBài gốc
Ông Trump không ngại tạo áp lực với nhiều nước bao gồm Ukraine
Những chính khách Mỹ từng nắm quyền tại nước này đều sử dụng ảnh hưởng của nước Mỹ để tác động thay đổi hành vi của nước khác. Đối với Tổng thống Trump, việc gây sức ép lên các nước khác nhằm thúc đẩy lợi ích của nước Mỹ đã diễn ra một cách tự nhiên. Ông làm vậy với lực lượng vũ trang Hồi giáo Houthi ở Yemen để ngăn họ tấn công hàng hải quốc tế và tấn công Israel.
Các tổng thống Nga (Putin), Mỹ (Trump) và Ukraine (Zelensky). Ảnh: Fox News.
Tổng thống Trump một lần nữa dùng ảnh hưởng của Mỹ để chấm dứt xung đột vũ trang Nga - Ukraine, điều mà ông coi là ưu tiên chính. Tuy nhiên, cho tới nay, cơ bản ông Trump vẫn chưa sẵn lòng gây áp lực đồng đều với cả Ukraine và Nga.
Với Ukraine, Tổng thống Trump yêu cầu một thỏa thuận mà theo đó, Mỹ sẽ tiếp cận được khoáng sản đất hiểm của Ukraine với những điều khoản rất có lợi cho Mỹ. Ông đã thực sự ngừng viện trợ quân sự và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine - động thái này đã hạn chế phương tiện của Ukraine trong phòng chống tên lửa Nga cũng như cản các cuộc phản công của Nga tại tỉnh Kursk, nơi quân Ukraine từng chọc thủng phòng tuyến Nga và chiếm một phần lãnh thổ Nga.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washington) chỉ ra rằng có một mối liên hệ tương hỗ đáng chú ý giữa việc Mỹ ngưng chia sẻ tình báo với Ukraine và việc Nga bắt đầu làm sụp đổ khúc lồi mà Ukraine tạo ra tại Kursk.
Việc Mỹ gây áp lực với bên yếu hơn trong xung đột Nga - Ukraine đã phát huy tác dụng, nhất là trong bối cảnh Ukraine phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ. Ban đầu Ukraine kháng lại một lệnh ngừng bắn tạm thời khi chưa có bảo đảm an ninh. Cuối cùng, Ukraine chấp nhận đề xuất của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump. Chỉ đến lúc đó, Mỹ mới nối lại viện trợ quân sự và tình báo cho Ukraine.
Tuy nhiên, gây sức ép với bên mạnh hơn trong xung đột Nga - Ukraine lại có vẻ là một vấn đề khác đối với ông Trump.
Tổng thống Trump thận trọng với Nga
Nhìn bề ngoài, Tổng thống Nga Putin muốn tránh nói “không” với Tổng thống Mỹ Trump. Nhưng không nói “không” lại không đồng nghĩa với nói “có”. Tổng thống Putin tuyên bố, về nguyên tắc một lệnh đình chiến là điều tốt đẹp, nhưng ông lại đồng thời đặt những câu hỏi và điều kiện, bao gồm việc phải ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine và việc nước này không được phép xây dựng lại quân đội. Và dĩ nhiên những yêu cầu này chỉ được ông Putin đưa ra cho phía Ukraine chứ bản thân Nga không áp dụng những điều kiện này đối với bản thân họ.
Bằng cách buộc Ukraine chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, ông Trump theo như lời của Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã “đặt quả bóng” lên phần sân của Nga. Đây chính là một dạng gây áp lực một cách tinh tế lên Tổng thống Putin, đồng thời cũng phản ánh cách đóng khung vấn đề một cách khéo léo để bên nào cũng phải phản ứng lại với Mỹ. Theo đó, ông Putin cũng phải vạch ra hướng đi về phía trước mà không làm ông Trump xa cách. Để đáp lại chiêu thức của ông Trump, Tổng thống Putin đã lựa chọn lối nói lấp lửng “có, nhưng mà”, với hàm ý ông không đồng ý với lệnh ngừng bắn lúc này (khi Nga đang nắm lợi thế trên chiến trường) nhưng vẫn sẵn lòng để hai bên Nga - Ukraine cùng ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau và chấm dứt các cuộc tấn công trên Biển Đen.
Nhưng trước khi sẵn lòng thực hiện đình chiến ở Biển Đen, phía Nga muốn phương Tây dỡ bỏ một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào họ, trong đó có các giới hạn về hoạt động ngân hàng quốc tế, cho phép Nga kết nối lại với SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu. Và ngay cả khi ông Putin chấp nhận xúc tiến kế hoạch đình chiến, thì Nga vẫn sẽ tiếp tục tiến công quân sự để giành lại những đất đai của Nga bị phía Ukraine chiếm, thậm chí ngay cả khi Ukraine đã chấp nhận dừng tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ trên đất Nga.
Do vậy, nếu thực sự muốn trung gian hòa giải cho một hiệp định hòa bình, sẽ có thời điểm ông Trump phải sẵn sàng tạo áp lực lớn hơn, buộc Nga phải trả giá nhất định nếu vẫn “nói không” với lệnh ngừng bắn. Trên thực tế, vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa áp thuế quan thứ cấp đối với những bên mua dầu mỏ của Nga nếu ông Putin tiếp tục chặn nỗ lực của ông Trump nhằn chấm dứt xung đột Ukraine. Mức thuế quan mới do ông Trump nêu có thể cao tới mức 50% và có thể làm tổn hại không chỉ Nga mà còn các khách hàng dầu chính của Nga, đó là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thực tế, mặc dù là bên mạnh hơn trong xung đột Ukraine, phía Nga vẫn gặp những khó khăn nhất định mà Tổng thống Mỹ Trump có thể xoáy sâu vào, đó là tình trạng thương vong của binh sĩ Nga, sự tổn thất của lực lượng thiết giáp Nga và nền kinh tế Nga đang trải qua giai đoạn lãi suất 21% và lạm phát 2 con số. Bên cạnh đó, Nga cũng chứng kiến tình cảnh chảy máu chất xám và việc dựa vào Triều Tiên (về đạn pháo và về binh sĩ Triều Tiên chiến đấu ở Kursk) cũng như dựa vào tên lửa và UAV của Iran. Hiện chưa rõ Nga sẽ duy trì được hoạt động tác chiến trong bao nhiêu năm nữa.
Lúc này, nếu ông Trump thưc sự muốn chấm dứt xung đột, ông có thể cứng rắn hơn nữa với Tổng thống Nga Putin. Ông Trump có phương tiện để làm được việc đó. Nhưng cho đến nay, ông Trump vẫn chưa gửi một thông điệp cứng rắn rõ ràng nào tới nhà lãnh đạo Nga.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Foreign Policy
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thong-my-trump-loay-hoay-the-nao-giua-nga-va-ukraine-post1189035.vov