Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. ẢNh: TASS
Theo hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS, vào hôm 21/2, Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin tuyên bố rằng đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có thể chịu được nhiệt độ ngang bằng với bề mặt Mặt Trời.
Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Công nghệ Tương lai, nhà lãnh đạo Liên bang Nga nói: “Cả thế giới đang nói về Oreshnik. Và những vật liệu nào đã được sử dụng? Nhiệt độ trên các đầu đạn này tương đương với nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời”.
Ông Putin cũng so sánh khả năng chịu nhiệt của Oreshnik với hệ thống tên lửa siêu vượt âm Avangard, vốn được phát triển từ những năm 1980.
“Chúng tôi hiểu điều này. Chúng tôi đã phát triển hệ thống phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard từ những năm 1980. Nhiệt độ mà nó phải chịu gần bằng nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời, chỉ thấp hơn một chút”, Tổng thống Liên bang Nga nói.
Ông Putin nhấn mạnh rằng các nhà khoa học Liên bang Nga đã từng ấp ủ ý tưởng phát triển các hệ thống như vậy từ cuối những năm 1980, nhưng công nghệ vật liệu khi đó chưa đủ tiên tiến để biến chúng thành hiện thực.
“Lúc đó, chúng tôi không thể thực hiện được vì không có vật liệu phù hợp. Đó là vấn đề lớn nhất. Tên lửa bay lên nhưng lại tan chảy như kem. Dù vậy, tín hiệu điều khiển vẫn được truyền qua”, ông Putin giải thích và nhấn mạnh rằng những đổi mới công nghệ gần đây là thành quả của quá trình nghiên cứu và phát triển vật liệu mới.
Trước đó vào ngày 28/11/2024, ông Putin từng tiết lộ khả năng của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga cho biết tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có khả năng tấn công mục tiêu là những cơ sở kiên cố được gia cố và nằm sâu dưới lòng đất.
Theo ông Putin, việc triển khai hàng loạt loại tên lửa này trong một cuộc tấn công duy nhất sẽ tạo ra sức mạnh có thể so sánh với một cuộc tấn công hạt nhân.
Tổng thống Liên bang Nga cho biết: “Mọi thứ nằm trong trung tâm vụ nổ (mà tên lửa Oreshnik tạo ra) bị chia nhỏ thành các phân tử cơ bản, về cơ bản là biến thành cát bụi”.
Theo đài RT, trong cuộc họp với các đồng minh khu vực quan trọng của Moskva tại Kazakhstan, ông Putin còn tuyên bố Liên bang Nga có thể lựa chọn mục tiêu là “các trung tâm ra quyết định”.
Ông giải thích rằng các cơ sở quân sự có thể bị nhắm mục tiêu, cùng với các doanh nghiệp quốc phòng và công nghiệp, đặc biệt là vì Kiev đã nhiều lần cố tấn công các cơ sở có tầm quan trọng quốc gia ở Liên bang Nga.
Theo nhà lãnh đạo Liên bang Nga, Moskva đã sở hữu một số tên lửa Oreshnik trong kho và đã bắt đầu sản xuất hệ thống vũ khí tiên tiến này trên quy mô lớn.
Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên ở thành phố Dnipro của Ukraine sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung vào đây. Nguồn: X
Liên quan tới Oreshnik, báo The Kyiv Post của Ukraine ngày 22/2/2025 cho biết tới nay, tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung này mới được sử dụng một lần duy nhất vào ngày 21/11/2024 trong cuộc tấn công vào cơ sở quốc phòng Pivdenmash ở Dnipro, Ukraine.
Moskva sau đó tuyên bố đây là hành động đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp và tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow của Anh để tấn công lãnh thổ Liên bang Nga.
Khi đó, tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik được phát hiện phóng từ căn cứ tên lửa đạn đạo Kapustin Yar ở vùng Astrakhan, mang theo 6 đầu đạn MIRV (đầu đạn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu độc lập) để dập xuống khu vực mục tiêu.
Tuy nhiên, cuộc tấn công gây ra tổn thất vật chất không đáng kể, vì các đầu đạn được đánh giá là không có chất nổ. Điều này cho thấy việc sử dụng Oreshnik mang ý nghĩa cảnh cáo chính trị hơn là đạt hiệu quả quân sự thực tế.
Sau vụ phóng, ông Putin tuyên bố:“Hiện tại không có cách nào để đánh chặn loại vũ khí này. Tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10 (12.300 km/h – 7.700 mph)… Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Nếu ai đó còn nghi ngờ, họ không nên”.
Báo The Kyiv Post dẫn các nguồn tin quân sự Nga cho biết tên lửa Oreshnik có tầm bắn 5.000 km (3.100 dặm), nghĩa là nếu được phóng từ lãnh thổ Liên bang Nga, nó có đủ khả năng tấn công hầu hết châu Âu và cả bờ Tây của Mỹ.
Hãng tin Reuters trích lời Anatoly Matviychuk, một chuyên gia quân sự Liên bang Nga, cho biết thêm: “Tên lửa này có thể mang theo 6 đến 8 đầu đạn, có thể là đầu đạn thường hoặc hạt nhân. Đây có lẽ là một trong những loại vũ khí có tính linh hoạt và sức mạnh vô song”.
Chuyên gia Matviychuk cũng nhắc lại tuyên bố của Putin:“Thiết kế MIRV cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu với độ chính xác cao, trong khi vật liệu cấu tạo đầu đạn có thể chịu được nhiệt độ cực cao – điều này tạo ra một bước ngoặt lớn”.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tỏ ra thận trọng trước tuyên bố của Moskva. Bà Sabrina Singh, Phó Thư ký Báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết tên lửa mà Liên bang Nga phóng có thể là một phiên bản chỉnh sửa của RS-26 Rubezh – một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Liên bang Nga đã điều chỉnh thiết kế để biến nó thành tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) nhằm tránh vi phạm các thỏa thuận tên lửa hiện có.
Washington cũng cho biết họ đã được thông báo trước về vụ phóng thông qua kênh giảm thiểu rủi ro hạt nhân.
Trong podcast Arms Control Wonk, Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Chống Phổ biến Hạt nhân Đông Á tại Viện Middlebury, nhận xét:“Đây là một năng lực mới, nhưng không phải một cuộc cách mạng về vũ khí thông thường. Nó chỉ là tập hợp các công nghệ cũ theo một cách mới. Tốc độ tái nhập vào khí quyển đủ để gây sát thương, ngay cả khi đầu đạn không có chất nổ”.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo TASS/RT/The Kyiv Post)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/tong-thong-nga-tiet-lo-kha-nang-moi-cua-ten-lua-sieu-vuot-am-oreshnik-20250222204025049.htm