Phản hồi của Tổng thống Panama, ông José Rául Mulino về tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ “giành lại” Kênh đào Panama. Ảnh chụp màn hình tài khoản mạng xã hội X của Tổng thống Panama, ông José Rául Mulino
Ngày 20/1, Panama đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ “giành lại” Kênh đào Panama, nhấn mạnh rằng tuyến đường thủy liên đại dương này sẽ vẫn nằm trong sự kiểm soát của Panama.
“Tôi hoàn toàn bác bỏ lời nói của Tổng thống Donald Trump”, Tổng thống José Rául Mulino tuyên bố trong một thông báo được đăng tải trên mạng xã hội X.
“Kênh đào là và sẽ luôn thuộc về Panama”, ông Mulino nhấn mạnh, đồng thời bác bỏ tuyên bố của ông Trump rằng Trung Quốc đang vận hành kênh đào này.
“Không có sự hiện diện của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới can thiệp vào đây”, ông Mulino khẳng định.
Ông Mulino cho biết trong suốt 25 năm liên tục, Panama đã quản lý kênh đào một cách “có trách nhiệm” và mở rộng nó để “phục vụ thế giới và thương mại của thế giới,” bao gồm cả Mỹ.
Tổng thống Panama cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ tham gia đối thoại.
Tàu thuyền chờ qua Kênh đào Panama ngày 24/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó vào gày 7/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự để giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama và đảo Greenland. Ông tuyên bố quyền kiểm soát đối với cả hai khu vực này là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Phát biểu với báo giới trước 2 tuần khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump đã nêu những tham vọng của nước này khi muốn kiểm soát đảo Greenland và kênh đào Panama. Ông Trump cho biết sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối lời đề nghị mua Greenland của ông.
Khi được phóng viên hỏi liệu có loại trừ việc sử dụng quân đội để kiểm soát, ông Trump đã nói: "Tôi sẽ không cam kết điều đó". Ông cho biết thêm: "Có thể bạn sẽ phải làm điều gì đó. Kênh đào Panama rất quan trọng đối với đất nước chúng ta. Chúng ta cần Greenland vì mục đích an ninh quốc gia".
Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn là mua lại vùng lãnh thổ Greenland này tại Bắc Cực. Đây là một khu vực được đánh giá có tầm quan trọng chiến lược đối với cả Mỹ, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi một dự luật mới được đệ trình lên Hạ viện Mỹ, nhằm trao quyền cho tổng thống tương lai trong việc mua lại Kênh đào Panama.
Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Đan Mạch TV2, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã nhấn mạnh Mỹ là "đồng minh quan trọng nhất và thân cận nhất" và không tin Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để đảm bảo quyền kiểm soát Greenland.
Bà cũng hoan nghênh Mỹ quan tâm nhiều hơn đến khu vực Bắc Cực, nhưng điều đó "phải được thực hiện theo cách tôn trọng người dân Greenland" và “thực hiện theo cách cho phép Đan Mạch và Mỹ vẫn có thể hợp tác trong NATO, cùng nhiều hoạt động khác”.
Bà Frederiksen nói rõ: "Greenland không phải để bán" và "chúng ta cần phải bình tĩnh và tuân thủ các nguyên tắc của mình".
Một con tàu di chuyển qua Kênh đào Panama. Ảnh: THX/TTXVN
Ý định của ông Trump với Kênh đào Panama cũng gặp phải phản ứng của Liên bang Nga.
Phát biểu với tờ Izvestia (Nga) ngày 14/1, Đại sứ Nga tại khu vực Mỹ Latinh Konstantin Gavrilov nhấn mạnh lập trường của Moskva về việc ủng hộ tính trung lập của Kênh đào Panama.
Đại sứ Gavrilov khẳng định Moskva sẽ tiếp tục duy trì cam kết này, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ tính trung lập của tuyến đường thủy quan trọng trên.
Ông Gavrilov nhấn mạnh việc đảm bảo kênh đào luôn an toàn và mở cho tàu thuyền từ mọi quốc gia trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt thời bình hay thời chiến.
Theo nhận định của chuyên gia Konstantin Blokhin từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, những tuyên bố của ông Trump về Kênh đào Panama nằm trong một chiến lược đàm phán rộng lớn hơn.
Chuyên gia này cho rằng "đây là chiến thuật cổ điển nhằm leo thang tình hình và thăm dò phản ứng", từ đó chuẩn bị cho một sự thỏa hiệp "dễ chịu hơn".
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo AFP/Izvestia/Ukrainska Pravda)