Tượng đài Người mẹ Tổ quốc trên Đồi Mamayev được xây dựng để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến lịch sử Stalingrad ở thành phố Volgograd. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, ngày 30/4 tại một diễn đàn, Tổng thống Putin nhận được câu hỏi về việc khôi phục tên gọi trước đây của thành phố Volgograd. Nhà lãnh đạo Nga trả lời rằng người dân Volgograd có quyền quyết định liệu thành phố có nên quay lại tên Stalingrad hay không.
Stalingrad là tên trước đây của Volgograd, ở thời điểm Hồng quân Liên Xô đánh bại Đức Quốc xã trong trận chiến đẫm máu nhất của Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ông Putin cho rằng ý tưởng khôi phục tên Stalingrad là “hợp lý” nếu xét đến ý nghĩa lịch sử của trận chiến. Nhà lãnh đạo Nga kết luận: “Việc này do người dân quyết định. Chúng ta có thể cân nhắc. Nhưng cần phải hỏi ý kiến người dân”.
Các hội cựu chiến binh vốn là lực lượng đi đầu trong kêu gọi khôi phục tên gọi Stalingrad.
Trong một diễn biến khác liên quan, hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin, vào ngày 29/4 Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh đổi tên sân bay quốc tế nằm tại thành phố Volgograd thành tên Stalingrad.
Sắc lệnh do Điện Kremlin công bố có đoạn: “Để lưu giữ chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941-1945, tôi ra sắc lệnh đổi tên Sân bay Quốc tế Volgograd thành tên lịch sử là Stalingrad”. Thay đổi này diễn ra sau khi Tổng thống Putin có chuyến thăm thành phố vào cùng ngày, trước thềm kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng.
Ngày Chiến thắng, diễn ra vào ngày 9/5 hàng năm, là sự kiện quan trọng tại Nga và một số quốc gia từng thuộc Liên Xô, nhằm ghi nhớ thời khắc Đức Quốc xã đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai – cuộc chiến được Nga chính thức gọi là “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Ước tính khoảng 22 đến 25 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Nằm trên bờ phía Tây của sông Volga, Stalingrad được đổi tên thành Volgograd vào năm 1961. Thành phố này là địa điểm xảy ra Trận chiến Stalingrad, chiến dịch quân sự tàn khốc diễn ra từ tháng 8/1942 đến tháng 2/1943, với Hồng quân Liên Xô đã giành chiến thắng oanh liệt, ngăn chặn được bước tiến của Đức Quốc xã về phía Kavkaz. Tuy nhiên, ước tính hơn một triệu quân nhân Hồng quân Liên Xô đã hy sinh trong chiến dịch này.
Mặc dù bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, song với nỗ lực, ý chí phi thường, Volgograd không ngừng vươn lên và trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và thương mại chính của Liên bang Nga.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc