Theo tờ Novosti của Serbia, tổng thống nước này, ông Aleksander Vucic, một trong những đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, từng tuyên bố rằng ông “hiểu rất rõ” nhà lãnh đạo Liên bang Nga, đã nói với các nhà báo rằng: “Đừng nghĩ rằng ai đó đang hù dọa, đáng tiếc là không ai hù dọa cả, và đáng tiếc là chúng ta đang bước vào một thảm họa nhỏ”.
Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên ở thành phố Dnipro của Ukraine sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung vào đây. Nguồn: Reuters
Cảnh báo của ông Vucic được đưa ra sau khi Ukraine thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào hôm 19/11 với mục tiêu là một kho vũ khí quân sự ở tỉnh Bryansk trong lãnh thổ Liên bang Nga bằng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ cung cấp.
Tiếp đó, vào ngày 21/11, Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow tấn công vào tỉnh Kursk.
Trang Clash Report, trích dẫn nguồn tin địa phương, tiết lộ rằng mục tiêu của cuộc tấn công hôm 21/11 là một cơ sở an ninh cao, được cho là nơi đặt trung tâm chỉ huy của lực lượng Liên bang Nga trong khu vực.
Cơ sở này được mô tả là một boong-ke ngầm, phục vụ lãnh đạo Liên bang Nga và có thể là căn cứ chỉ huy của các quan chức quân sự nước thứ ba. Cơ sở này, nằm gần làng Marino, đã từ lâu bị nghi ngờ là địa điểm tiến hành các hoạt động quân sự quan trọng xuyên quốc gia.
Xem video về hoạt động vận chuyển và lắp đặt tên lửa Storm Shadows lên máy bay chiến đấu. Nguồn: Reuters
Các cuộc tấn công nêu trên của Ukraine diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Kiev sử dụng loại vũ khí này, bất chấp lo ngại rằng điều đó có thể khiến xung đột Nga-Ukraine vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trên thực tế, vào ngày 21/11, Tổng thống Putin xác nhận rằng Liên bang Nga đã phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik mới sau khi Ukraine, với sự chấp thuận từ chính quyền Biden, tấn công hai khu vực Bryansk và Kursk của Liên bang Nga bằng sáu tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất vào ngày 19/11 và bằng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh cùng hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất vào ngày 21/11.
Theo nhà lãnh đạo Liên bang Nga, điều này đồng nghĩa với việc chiến tranh ở Ukraine hiện đã “mang các yếu tố của một cuộc xung đột toàn cầu”.
Xem video Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11/2024 nói rằng quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ và Anh cung cấp tấn công khu vực Bryansk và Kursk của Liên bang Nga, nhưng hệ thống phòng không của Liên bang Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công này. Nguồn: Reuters
Về khả năng này, vào hôm 22/11. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết có nguy cơ thực sự xảy ra xung đột toàn cầu sau khi Liên bang Nga phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung vào thành phố Dnipro của Ukraine.
Phát biểu về tình hình căng thẳng hiện nay, Thủ tướng Tusk nhấn mạnh: "Cuộc chiến ở phía Đông đang bước vào giai đoạn quyết định, chúng ta cảm thấy những điều chưa biết đang đến gần. Cuộc xung đột đang diễn ra kịch tính. Vài chục giờ qua đã cho thấy mối đe dọa là nghiêm trọng và thực tế khi nói về xung đột toàn cầu".
Theo cơ quan tình báo chính của Ukraine, tên lửa đạn đạn siêu vượt âm mà Liên bang Nga sử dụng để tấn công thành phố Dnipro có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa 'Kedr', được trang bị 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có 6 đạn con.
Tốc độ của tên lửa trong giai đoạn cuối của quỹ đạo vượt quá Mach 11, tức là nhanh gấp 11 lần tốc độ âm thanh, cho thấy khả năng tấn công mạnh mẽ và chính xác của loại vũ khí này.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters//Dailymail/Novosti/Clash Report)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-serbia-ong-putin-khong-he-hu-doa-ve-kha-nang-su-dung-ten-lua-hat-nhan-20241123080454206.htm