Tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ khi thừa nhận rằng đất nước đã phạm sai lầm khi bỏ phiếu chống Nga, ủng hộ nghị quyết của phương Tây về Ukraine tại Liên Hợp Quốc.
Phát biểu trước người dân tại Belgrade, ông Vucic đã công khai xin lỗi về quyết định này, nhấn mạnh rằng nó không phản ánh đúng lập trường của Serbia.
Động thái trên đã gây ra nhiều tranh cãi trong và ngoài nước, do mối quan hệ vốn khó khăn giữa Serbia với phương Tây và mong muốn cân bằng giữa các cực địa chính trị khác nhau.
Trong bài phát biểu của mình, ông Vucic giải thích rằng việc bỏ phiếu cho nghị quyết do các nước phương Tây khởi xướng xảy ra do có sự hiểu lầm trong quá trình ra quyết định.
Tổng thống Vucic không nói rõ sai lầm ở cấp độ nào - ngoại giao hay kỹ thuật, nhưng đảm bảo rằng đây không phải là bước đi cố ý chống lại lợi ích của Serbia hoặc các đối tác của nước này.
Belgrade nhấn mạnh rằng đất nước vẫn cam kết theo đuổi chính sách trung lập và không tìm cách tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, bất chấp áp lực từ Liên minh châu Âu mà họ coi việc gia nhập là mục tiêu chiến lược.
Theo đánh giá từ giới truyền thông, lời xin lỗi của Tổng thống Vucic gửi tới những người dân Serbia nhằm khẳng định chính quyền không phản bội các nguyên tắc quốc gia được nêu trước đó.
Tuyên bố từ người đứng đầu nhà nước là phản ứng trước sự bất mãn ngày càng tăng bởi công chúng tại Serbia, khi quốc gia này quy tụ số người ủng hộ Nga trên trường quốc tế ở mức rất cao.
Sau cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc, những lời cáo buộc bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội và trên đường phố Belgrade rằng chính quyền đã khuất phục trước ảnh hưởng của phương Tây, từ bỏ tình bạn truyền thống với Nga.
Ông Vucic vốn nổi tiếng với các chính sách thực dụng đã cố gắng làm dịu đi những lời chỉ trích và khôi phục lòng tin của công chúng trong khi vẫn giữ được thể diện trên trường quốc tế.
Sự cố này phù hợp với bối cảnh rộng hơn của các sự kiện xung quanh Ukraine và phản ứng quốc tế đối với cuộc xung đột. Theo những nguồn tin công khai, nghị quyết nói trên nhằm lên án hành động của Nga và kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho Kyiv.
Hầu hết các nước EU và NATO đều bỏ phiếu thuận, trong khi những quốc gia trung lập hoặc có quan hệ chặt chẽ với Moskva thì bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống. Việc Serbia tham gia ủng hộ văn kiện này là điều rất bất ngờ, xét đến vị thế lịch sử của họ.
Bạch Dương
Theo Avia/Reporter