Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 21/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ Thời báo Nhật Bản (japantimes.co.jp) ngày 22/5, Phòng Bầu dục - nơi quyền lực tối cao của Nhà Trắng - từng được coi là vinh dự cao quý dành cho các nhà lãnh đạo thế giới. Thế nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, nơi đây đã trở thành "địa điểm khó lường", khiến nhiều nguyên thủ quốc gia phải đối mặt với những tình huống bất ngờ.
Sự thay đổi này hoàn toàn trái ngược với phong cách ngoại giao truyền thống. Trong khi thời kỳ của Tổng thống Joe Biden, các cuộc gặp tại Phòng Bầu dục thường là những "buổi chụp ảnh ngoại giao" trang trọng và được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì ông Trump đã biến chúng thành "cuộc thử thách thần kinh kéo dài hàng giờ đồng hồ" được phát trực tiếp trên truyền hình.
Cảnh tượng quen thuộc giờ đây là hình ảnh các nhà lãnh đạo thế giới "ngồi lo lắng trên ghế màu vàng trước lò sưởi nổi tiếng", không biết điều gì sắp xảy ra. Không gian nóng nực và chật hẹp của Phòng Bầu dục càng làm tăng thêm áp lực khi vị tổng thống Mỹ 78 tuổi khó đoán này tìm cách giành thế thượng phong.
Cuộc gặp định hình: Trump - Zelensky
Tiêu chuẩn cho những cuộc "phục kích" này được đặt ra từ cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 28/2 vừa qua. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến sự thay đổi đột ngột của Tổng thống Trump về chính sách đối với Nga.
Trong cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ đã chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine. Điều đáng chú ý là Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng tham gia vào cuộc tranh luận, khiến nhiều người nghi ngờ đây là một "cuộc phục kích có chủ đích".
Cuộc gặp kết thúc trong căng thẳng khi ông Zelensky bị yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng và bỏ lỡ bữa trưa. Từ đó, mục tiêu của các nguyên thủ nước ngoài luôn là "tránh lặp lại trường hợp như ông Zelensky".
Nhưng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa lại vừa trở thành "mục tiêu" mới nhất trong chuỗi những cuộc gặp căng thẳng này. Ông Ramaphosa đến Phòng Bầu dục cùng các tay golf hàng đầu Nam Phi là Ernie Els và Retief Goosen, hy vọng làm dịu những tuyên bố "vô căn cứ" của ông Trump về "cuộc diệt chủng" đối với nông dân da trắng ở Nam Phi.
Thế nhưng, cuộc gặp diễn ra theo kịch bản được chuẩn bị sẵn. Khi được hỏi về vấn đề này, Tổng thống Trump đột nhiên chỉ thị các trợ lý tắt đèn trong Phòng Bầu dục để phát một đoạn video cho thấy cảnh quay chính trị gia đối lập Nam Phi Julius Malema kêu gọi bạo lực chống lại nông dân da trắng. "Bây giờ, điều này rất tệ", Trump nói, mô tả đoạn video.
Tổng thống Ramaphosa đã tỏ ra "vô cùng bối rối" trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, khác với ông Zelensky, Tổng thống Nam Phi đã giữ được bình tĩnh trong tranh luận và không bị yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28/2/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Những kết quả khác nhau
Ông Trump đã áp dụng cùng một chiến lược với cả đồng minh và đối thủ. Ông chế giễu Thủ
tướng Canada Mark Carney và gợi ý rằng Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Ông khiêu khích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề khí hậu và chế giễu Zelensky về viện trợ của NATO.
Nhưng không phải tất cả các nhà lãnh đạo khác đều gặp phải tình huống tồi tệ. Một số đã "có sự chuẩn bị" và thoát khỏi tình huống như vậy mà "hầu như không bị chi phối, thậm chí còn nhận được sự tín nhiệm".
Ví dụ, Thủ tướng Canada Mark Carney, dù có vẻ lo lắng, vẫn kiên quyết phản đối lời kêu gọi sáp nhập Canada thành một bang của Mỹ. Thủ tướng Anh Keir Starmer chiếm được cảm tình nhờ lá thư từ Vua Charles III, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron duy trì được mối quan hệ thân thiết nhờ sự khéo léo và linh hoạt.
Thế nhưng, ngay cả đồng minh gần gũi cũng có thể bất ngờ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã được chào đón nồng nhiệt khi là vị khách nước ngoài đầu tiên đến Phòng Bầu dục hồi tháng 2 năm nay trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, nhưng mọi chuyện lại khác khi ông trở lại vào tháng 4 vừa qua.
Các máy quay tại Phòng Bầu dục đã bắt được hình ảnh sửng sốt của ông Netanyahu khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đang bắt đầu đàm phán trực tiếp với Iran.
Đối với Tổng thống Trump, tất cả những cuộc gặp này đều là "một phần của nhiệm kỳ tổng thống mà ông ngày càng coi như một chương trình truyền hình thực tế". Bản thân ông Trump đã nói đùa sau cuộc gặp với Tổng thống Zelensky rằng đó "là một chương trình truyền hình tuyệt vời".
Cố vấn Jason Miller của Tổng thống Trump đã thể hiện rõ quan điểm này trên nền tảng X sau cuộc gặp với ông Ramaphosa: "Điều này thực sự đang được theo dõi trên toàn cầu ngay lúc này - Xếp hạng VÀNG!".
Đánh giá về các sự kiện trên, tờ Thời báo Ấn Độ (indiatimes.com) cùng ngày cho rằng chiến thuật của ông Trump đang định nghĩa lại ý nghĩa của một cuộc gặp cấp tổng thống - biến các cuộc gặp ngoại giao thành sân khấu chính trị với hậu quả thực sự mang tính toàn cầu:
Thứ nhất, ngoại giao trở thành biện pháp răn đe: Những gì từng là lời mời trang trọng đối với các nhà lãnh đạo thế giới - Phòng Bầu dục - giờ đây giống như một cuộc đối đầu được dàn dựng. Thái độ căng thẳng công khai và thông điệp theo chủ nghĩa dân tộc của Trump có thể khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài cảnh giác với các chuyến thăm trong tương lai, đặc biệt là những chuyến thăm từ các quốc gia nhỏ hơn hoặc không liên kết.
Thứ hai, làm suy yếu các liên minh: Cách Tổng thống Trump đối xử với các đồng minh như nhà lãnh đạo Nam Phi làm suy yếu uy tín của Mỹ vào thời điểm mà sự cạnh tranh từ Trung Quốc và Nga để giành ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng.
Việc ông Trump sẵn sàng gây áp lực với các nhà lãnh đạo nước ngoài trên sóng truyền hình trực tiếp - đặc biệt là những người từ các quốc gia mà Mỹ có lợi ích chiến lược - có thể phản tác dụng về mặt ngoại giao. Nam Phi, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc tại châu lục này, đang được cả hai cường quốc toàn cầu ve vãn. Hành động của ông Trump có thể đẩy Nam Phi xích lại gần Trung Quốc hơn.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc