Khoảng 60 quốc gia chịu mức thuế quan cao hơn
Thông tin với Reuteres, một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực vào ngày 5/4. Còn các mức thuế cao hơn áp dụng cho khoảng 60 quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng với một số quốc gia (Ảnh: Reuters).
Ngoài ra, ông Trump đang lên kế hoạch áp thêm thuế quan đối với chất bán dẫn, dược phẩm và có thể cả các khoáng sản quan trọng khác.
Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một loạt biện pháp thuế quan khác đối với ô tô nhập khẩu được công bố vào tuần trước, sẽ có hiệu lực từ đêm nay (3/4).
Như vậy, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế 34%, cộng thêm 20% đã được áp trước đó, nâng tổng mức thuế mới lên 54%.
Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không được miễn trừ trong đó Liên minh châu Âu chịu mức thuế 20% và Nhật Bản bị áp mức 24%.
Trong khi đó, Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã phải đối mặt với mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng và sẽ không bị áp thêm thuế từ tuyên bố ngày 2/4 của ông Trump.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh động thái áp thuế đối ứng này nhằm đáp trả các mức thuế và rào cản phi thuế quan mà các quốc gia khác áp dụng đối với hàng hóa Mỹ. Ông Trump lập luận rằng các khoản thuế mới sẽ thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nước.
Song, theo một tài liệu từ Nhà Trắng mức thuế "có đi có lại" nói trên sẽ không được áp dụng cho một số mặt hàng, bao gồm đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ, vàng, năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.
Hệ lụy từ những đòn trừng phạt thương mại dồn dập
Hãng tin Reuters nhận định các biện pháp trừng phạt dồn dập của ông Trump sẽ dựng lên các rào cản mới xung quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới, đảo ngược hàng thập kỷ tự do hóa thương mại đã định hình trật tự toàn cầu.
Mức thuế quan quá cao sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các đối tác thương mại truyền thống quan trọng (Ảnh: Reuters).
Các đối tác thương mại dự kiến sẽ đáp trả bằng các biện pháp đối phó, có thể dẫn đến giá cả tăng vọt đối với mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, từ xe đạp đến rượu vang.
Nhiều nhà kinh tế độc lập cảnh báo thuế quan có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng nguy cơ suy thoái và khiến chi phí sinh hoạt của các gia đình Mỹ tăng thêm hàng nghìn USD.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ thất vọng trước quyết định áp thuế quan mới nhất của ông Trump đồng thời cảnh báo một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu sẽ chỉ làm tổn hại cho người tiêu dùng và không có lợi cho cả hai bên.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hướng tới một thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh gây ra cuộc chiến thương mại làm suy yếu phương Tây trong khi lại tạo lợi thế cho các đối thủ toàn cầu khác", Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố.
Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Gregory Meeks cho biết ông sẽ đề xuất dự luật để chấm dứt các mức thuế này. Tuy nhiên, ít có khả năng dự luật này được thông qua trong bối cảnh lưỡng viện Quốc hội Mỹ hiện vẫn do Đảng Cộng hòa kiểm soát.
Khánh An