Một công nhân kiểm tra vải xuất khẩu trước khi nhuộm tại nhà máy Trisula Textile Industries ở Cimahi, Tây Java (Indonesia). Ảnh: AFP
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã làm rõ thêm rằng các quốc gia có hàng hóa bị đánh thuế ở mức này sẽ nằm ở châu Phi và khu vực Caribe, những nơi thường có kim ngạch thương mại tương đối khiêm tốn với Mỹ và sẽ không có tác động đáng kể trong việc giải quyết các mục tiêu của ông Trump về giảm tình trạng mất cân bằng thương mại.
Cùng ngày, Tổng thống Trump cho biết Washington có thể bắt đầu áp thuế đối với 2 mặt hàng chiến lược là chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu vào cuối tháng này. Tổng thống Trump nêu rõ có thể bắt đầu áp mức thuế thấp vào cuối tháng này và cho các công ty dược phẩm khoảng 1 năm hoặc hơn để chuyển dịch sản xuất về Mỹ, trước khi áp dụng mức thuế "rất cao". Tổng thống Trump cho biết lộ trình áp đặt thuế quan đối với chất bán dẫn là tương tự nhưng không nêu chi tiết.
Hôm 8-7, Tổng thống Trump thông báo ý định sẽ đánh thuế 200% đối với các mặt hàng dược phẩm nhập khẩu như một phần trong chiến lược thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ông cũng nói sẽ dành 12 - 18 tháng để các doanh nghiệp dược điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất về Mỹ trước khi chính thức áp thuế.
Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thông báo chính quyền Tổng thống Trump sẽ hoàn tất cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với nhập khẩu chất bán dẫn và dược phẩm vào cuối tháng này. Đây là dấu hiệu cho thấy các tuyên bố về thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu này có thể đang đến gần. Các cuộc điều tra này được khởi xướng hồi tháng 4 vừa qua theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, cho phép tổng thống điều chỉnh hàng nhập khẩu nếu xác định chúng gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Cũng trong ngày 15-7, Tổng thống Trump thông báo đạt được một thỏa thuận thương mại với Indonesia, trong đó hàng hóa từ Indonesia xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu thuế 19%, trong khi hàng xuất khẩu của Mỹ sang Indonesia sẽ được miễn thuế và rào cản phi thuế quan. Trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Trump cho biết ông đã hoàn tất thỏa thuận sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto.
Đây là lần công bố thỏa thuận thương mại thứ 4 của Tổng thống Trump trong vòng ba tháng qua, sau Anh, Trung Quốc và Việt Nam. Thỏa thuận này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan đối ứng 32% với hàng hóa Indonesia. Đáng chú ý, Tổng thống Trump cũng cho biết "nếu có hoạt động trung chuyển nào từ một quốc gia có mức thuế quan cao hơn, thì mức thuế quan đó sẽ được cộng vào mức thuế quan mà Indonesia đang trả". Ông nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ "lần đầu tiên trong lịch sử" mở ra "toàn bộ" thị trường Indonesia với Mỹ.
Cũng theo thỏa thuận, Indonesia cam kết mua 15 tỷ USD năng lượng của Mỹ, 4,5 tỷ USD nông sản và 50 máy bay Boeing, chủ yếu Boeing 777. Theo Bộ Thương mại Mỹ, Indonesia là một trong 25 đối tác thương mại hàng đầu của nước này, với kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt hơn 38 tỷ USD trong năm 2024. Xuất khẩu của Mỹ sang Indonesia đã tăng 3,7% vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Indonesia tăng 4,8%, với mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ là gần 18 tỷ USD.
Cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo đã khởi động cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Brazil. Cuộc điều tra, từng được Tổng thống Trump công bố trước đó, nhằm xác định liệu các hành động, chính sách của Brazil liên quan đến thương mại điện tử và thuế suất ưu đãi cùng một số lĩnh vực khác có "không hợp lý hoặc mang tính phân biệt, gây gánh nặng hoặc hạn chế" hoạt động thương mại của Mỹ hay không.
Trong bối cảnh đó, Phó Tổng thống Brazil Geraldo Alckmin cho biết nước này đang nỗ lực để Mỹ sớm rút lại mức thuế quan 50% mà Washington tuyên bố sẽ áp dụng đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ. Phát biểu sau cuộc họp với các doanh nghiệp để thảo luận biện pháp thuế quan trên, Phó Tổng thống Alckmin nhấn mạnh: "Nếu cần thêm thời gian, chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu đó". Ông cũng lưu ý Brazil đang phải đối mặt với thời hạn đàm phán "hết sức gấp rút", bởi mức thuế quan mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Brazil cảnh báo mức thuế 50% của Mỹ đối với hàng hóa Brazil có thể làm tăng chi phí sinh hoạt tại Mỹ, đồng thời làm trầm trọng thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Friedrich Merz mới đây tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ có phản ứng quyết liệt trong trường hợp tranh chấp thuế quan với Mỹ leo thang. Thủ tướng Merz nhấn mạnh Chính phủ Mỹ không nên đánh giá thấp quan điểm của EU trong việc đáp trả các mức thuế quan bằng các biện pháp tương tự. Ông cho biết EU đã chuẩn bị cho điều này nhưng vẫn hy vọng vào một giải pháp đàm phán.
Theo nhà lãnh đạo Đức, mục tiêu của EU vẫn là nhanh chóng đạt được một giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với Mỹ và giảm thuế quan, đồng thời kỳ vọng vào khả năng thành công bất chấp khó khăn. Thủ tướng Merz cũng cho biết cuối tuần qua ông đã ủng hộ việc EU không áp đặt ngay lập tức các mức thuế quan trả đũa sau khi nhận được thư thông báo của Tổng thống Trump, đồng thời cho biết bản thân đang duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về vấn đề này.
AN BÌNH