Những phát biểu thẳng thắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần xuất hiện qua liên kết video tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đã thu hút nhiều luồng phản ứng cả tích cực lẫn tiêu cực.
Các phát ngôn và phản hồi của Tổng thống Trump là tiêu điểm trong ngày hội kiến thứ tư của các lãnh đạo doanh nghiệp thế giới trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên.
Ông Trump lần đầu phát biểu tại sự kiện quốc tế hậu nhậm chức
Ông Trump vốn không phải khách lạ ở cuộc họp Davos, nơi các CEO, lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ hội kiến vào tháng 1 hàng năm. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã xuất hiện ở kỳ họp Davos hai lần.
Các lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký khi trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng đã làm dậy sóng dư luận trong hành lang Trung tâm Hội nghị Davos suốt cả tuần, bao gồm việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, đổi tên Vịnh Mexico và đình chỉ tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ.
Phát biểu trong khuôn khổ hội nghị Davos hôm 23/11 (giờ địa phương), ông Trump nhấn mạnh việc chính quyền của ông sẽ đẩy mạnh khai thác dầu và ưu tiên sử dụng nguồn nhiên liệu mà ông gọi là "than sạch chất lượng cao".
"Mỹ có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới và chúng tôi sẽ dùng chúng", ông Trump nói qua liên kết video.
Ông Trump xuất hiện tại Hội nghị Davos qua liên kết video. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ thứ 47 đồng thời cảnh báo lãnh đạo châu Âu và giám đốc điều hành các doanh nghiệp rằng những đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được đảm bảo nằm ngoài sự "khoanh vùng" trong chiến dịch áp thuế quan của Mỹ.
"Tôi cố gắng tiếp cận một cách kiến tạo nhất có thể vì tôi yêu châu Âu và các quốc gia của châu lục này", ông Trump nói. "Tuy nhiên, nhiều quá trình lại rất rườm rà và họ đối xử với Mỹ một cách rất, rất bất công thông qua đống thuế mà họ áp dụng".
Những phát biểu xoay quanh thuế quan của ông Trump nhanh chóng khiến nhiều quan chức và chuyên gia kinh tế lên tiếng.
"Chúng ta từng xem qua bộ phim này rồi, hồi thập niên 1930", Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhận xét, ám chỉ tới giai đoạn các quốc gia áp thuế nhập khẩu để quản lý vấn đề thương mại sau cuộc Đại suy thoái, từ đó trầm trọng hóa sự lao dốc trên toàn cầu.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: Reuters.
Theo bà Okonjo-Iweala, nếu những phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ "là một công cụ để đàm phán, hãy hít thở thật sâu và chờ xem điều gì sẽ xảy ra".
Ủy viên Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis nói rằng liên minh gồm 27 quốc gia ở châu Âu sẽ tiếp cận chính quyền Trump với "tinh thần hợp tác" vì khối này và Mỹ là đồng minh chiến lược cùng nhau chiếm 42% nền kinh tế thế giới.
"Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự gắn kết và đối thoại với chính quyền ông Trump, từ đó tìm ra một phương án mang tính xây dựng và hướng tới phía trước", ông Dombrovkis nói.
Chính trị và công nghệ
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Davos, Tổng thống Argentina Javier Milei thu hút sự chú ý khi chỉ trích "chủ nghĩa thức tỉnh" (tiếng Anh: wokeism) và phát biểu về sự mâu thuẫn toàn cầu giữa những người theo chủ nghĩa tự do như bản thân ông với chủ nghĩa cấp tiến cánh tả.
Vấn đề phúc lợi xã hội, chủ nghĩa nữ quyền và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là những vấn đề được Tổng thống Milei đề cập đến.
Cũng theo ông Milei, Tổng thống Trump và tỷ phú Elon Musk là những nhà lãnh đạo đang kiến tạo nên liên minh "những quốc gia mong cầu sự tự do", theo AP.
"Mẫu số chung của các quốc gia đang suy thoái nằm ở virus tinh thần mang tên tư tưởng tỉnh thức", ông Milei nói. "Đây là dịch bệnh của thời đại chúng ta và cần được xử lý. Đây là một loại bệnh ung thư cần bị loại bỏ".
Tổng thống Argentina Javier Milei. Ảnh: Reuters.
Một vấn đề nổi cộm khác được đề cập trong khuôn khổ Hội nghị Davos là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong một thông điệp do sứ giả đưa tới Davos, Đức Giáo hoàng Francis ca ngợi những tiến bộ công nghệ nhưng cảnh báo về những nguy hiểm mà AI có thể gây ra đối với “phẩm giá và tình bằng hữu của con người”.
“Khi được sử dụng đúng cách, AI hỗ trợ con người hoàn thành thiên chức của mình trong tự do và trách nhiệm”, Đức Hồng y Peter Turkson của Ghana phát biểu khi đọc thông điệp.
“AI phải nghe theo chỉ thị của con người và nỗ lực đạt tới công lý, tình anh em rộng rãi hơn và trật tự nhân đạo hơn trong các mối quan hệ xã hội, những thứ có giá trị hơn các tiến bộ của lĩnh vực kỹ thuật”, ông nói thêm.
Đại Hoàng