Những bức ảnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra khi gặp người đồng cấp Nam Phi. Ảnh: UPI
Ngày 21/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.
Tờ Guardian (Anh) cho biết, trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Mỹ đã giơ bản in của một bài báo kèm theo bức ảnh và nhận xét: “Tất cả họ đều là người nông dân da trắng đang bị chôn vùi”.
Nhưng trên thực tế, đó là ảnh chụp màn hình đoạn video do hãng thông tấn Reuters (Anh) công bố ngày 3/2 về nhân viên cứu trợ nâng túi đựng thi thể tại thành phố Goma của Congo. Theo Reuters, video này được quay sau các cuộc đụng độ đẫm máu với phiến quân M23.
Bài viết mà Tổng thống Trump cho ông Ramaphosa xem trong cuộc gặp tại Nhà Trắng thuộc về tạp chí trực tuyến American Thinker. Theo USA Today (Mỹ), bài đăng không chú thích hình ảnh nhưng xác định đó là "ảnh chụp màn hình YouTube" với đường link dẫn đến một bản tin video về Congo trên YouTube với nguồn ghi là Reuters.
Về phần mình, Nhà Trắng đã chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.
Ở một thời điểm khác trong cuộc hội đàm, Tổng thống Trump còn cho trình chiếu đoạn video mà ông tuyên bố là bằng chứng về nạn diệt chủng người da trắng ở Nam Phi. Trong đó, có cảnh quay mà Tổng thống Trump cho là mộ của hơn 1.000 nông dân da trắng, được đánh dấu bằng những cây thánh giá màu trắng.
Tuy nhiên, đoạn video này thực chất quay một địa điểm tưởng niệm tại xa lộ nối liền các thị trấn nhỏ Newcastle và Normandein ở Nam Phi, chứ không phải là những ngôi mộ.
Ông Rob Hoatson, người dựng đài tưởng niệm này, nói với BBC (Anh) rằng đó không phải là nơi chôn cất. Ông khẳng định: “Đó là một đài tưởng niệm, nhưng không phải công trình vĩnh viễn mà chỉ tạm thời được dựng lên trong thời điểm ấy”. Đài tưởng niệm được dựng lên sau vụ sát hại hai nông dân Afrikaner trong cộng đồng địa phương.
Người Afrikaner là nhóm dân tộc da trắng có nguồn gốc từ người định cư châu Âu chủ yếu là người Hà Lan đến Mũi Hảo Vọng vào năm 1652. Người da trắng hiện chiếm khoảng 7,3% dân số Nam Phi và nhìn chung có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn so với phần lớn người da màu tại quốc gia này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phải) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 21/5. Ảnh: AP/TTXVN
Tuần này, Tổng thống Nam Phi đã đến thăm Washington để cố gắng hàn gắn quan hệ với Mỹ sau những chỉ trích liên tục từ ông Trump trong những tháng gần liên quan đến luật đất đai, chính sách đối ngoại của Nam Phi và cáo buộc đối xử tệ bạc với cộng đồng thiểu số da trắng của nước này, điều mà Nam Phi phủ nhận.
Về phần mình, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 21/5, Tổng thống Ramaphosa đã bày tỏ hài lòng, đồng thời nêu bật những điểm tích cực trong chuyến công du đến Washington. Tổng thống Ramaphosa cho biết hai bên đã bắt đầu trao đổi về hợp tác thương mại và các lĩnh vực song phương khác. Ông cũng thừa nhận đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Nam Phi vào tháng 11 tới, sự kiện mà Washington trước đó tuyên bố tẩy chay.
Nam Phi sẽ trao lại quyền Chủ tịch luân phiên của G20 cho Mỹ vào năm 2026. Ông Ramaphosa bày tỏ tin tưởng rằng mình đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Trump về Nam Phi, dù thừa nhận điều đó có thể sẽ là "một quá trình".
Tại Nam Phi, Tổng thống Ramaphosa nổi tiếng là một chính trị gia ôn hòa và điềm tĩnh. Tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, ông Ramaphosa một lần nữa thể hiện kinh nghiệm và khả năng đàm phán của mình khi bình tĩnh bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống nước chủ nhà về "nạn diệt chủng người da trắng" ở Nam Phi. Ông Ramaphosa nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn phản đối điều đó. Đây không phải là chính sách của chính phủ Nam Phi”.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc