Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One khi di chuyển đến bang New Jersey, Tổng thống Trump từ chối nêu tên các quốc gia sẽ được nhận thư và cho biết thông tin sẽ được công bố vào ngày 7/7.
"Chúng (các mức thuế quan - BTV) sẽ dao động về giá trị từ 60% hoặc 70% đến 10% và 20%, nhưng chúng [những lá thư] sẽ bắt đầu được gửi đi vào ngày mai", Tổng thống Trump nói với các phóng viên.
Trước đó, Tổng thống Trump hôm 3/7 đã nói với các phóng viên rằng ông dự kiến đợt thư đầu tiên sẽ được gửi các đối tác thương mại vào ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, tuy nhiên lịch gửi đã bị điều chỉnh.
Trong cuộc chiến thương mại toàn cầu làm đảo lộn thị trường tài chính và gây ra cuộc chạy đua giữa các nhà hoạch định chính sách để bảo vệ nền kinh tế của họ, vào đầu tháng 4/2025 Tổng thống Trump đã công bố mức thuế quan cơ sở là 10% đối với toàn bộ đối tác thương mại và các khoản thuế đối ứng bổ sung cho hầu hết các quốc gia, trong ngưỡng từ 11 - 50%.
Tuy nhiên, tất cả các mức thuế đối ứng cao hơn, trừ mức cơ sở 10%, sau đó đã được Tổng thống Trump cho tạm ngừng áp dụng trong 90 ngày để các đối tác thương mại có thời gian đàm phán.
Thời hạn tạm ngừng áp thuế đối ứng cao hơn sẽ kết thúc vào ngày 9/7, nhưng Tổng thống Trump hôm 4/7 cảnh báo rằng Washington có thể còn áp mức thuế quan cao hơn nữa - lên tới 70% - và hầu hết các mức thuế đó sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8.
Ban đầu, Tổng thống Trump và các trợ lý hàng đầu của ông tuyên bố họ sẽ khởi động đàm phán với nhiều quốc gia về thuế quan, nhưng ông chủ Nhà Trắng sau đó đã không còn mặn mà với quá trình này sau nhiều lần thảo luận thất bại với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Ông Trump cũng đã không đề cập đến kỳ vọng của mình về một số thỏa thuận thương mại lớn có thể đạt được trước thời hạn ngày 9/7.
Sự thay đổi trong chiến lược của Nhà Trắng phản ánh những thách thức trong việc hoàn tất các nội dung của thỏa thuận thương mại, từ thuế quan đến các rào cản phi thuế quan như lệnh cấm nhập khẩu nông sản, và đặc biệt là trong một mốc thời gian gấp rút. Cần biết rằng hầu hết các thỏa thuận thương mại trước đây đều mất nhiều năm đàm phán để hoàn tất các điều khoản.
Cho đến nay, quá trình 90 ngày tạm dừng áp thuế đối ứng cao hơn đã ghi nhận Washington đạt được thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh. Theo đó, London được giữ nguyên mức thuế 10% và giành được chế độ ưu đãi cho một số lĩnh vực bao gồm: ô tô và động cơ máy bay.
Trong khi đó, một thỏa thuận dự kiến với Ấn Độ đã không thành hiện thực, còn các nhà ngoại giao EU hôm 4/7 cho biết họ đã không đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Trump và hiện có thể tìm cách kéo dài nguyên trạng để tránh tăng thuế.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đe dọa áp thuế 17% đối với thực phẩm và nông sản xuất khẩu từ châu Âu trong các cuộc đàm phán tại Washington tuần này. Mặc dù EU "ủng hộ giải pháp đàm phán", nhưng đã chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại tiềm ẩn với các mức thuế trả đũa, theo tờ The Guardian.
Mức thuế như vậy sẽ đánh vào mọi hàng hóa nhập khẩu từ EU, từ sô cô la Bỉ đến bơ Kerrygold từ Ireland và dầu ô liu từ Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Đáng nói, tất cả đều là những mặt hàng bán chạy tại Mỹ.
Các nguồn tin xác nhận rằng Ủy viên thương mại EU, Maroš Šefčovič, đã được cảnh báo điều này vào hôm 3/7 khi ông gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, theo Financial Times.
Tuy EU vẫn lạc quan về một thỏa thuận chính trị cấp cao, nhưng mối đe dọa tăng thuế của Mỹ cho thấy Washington vẫn tiếp tục có lập trường đàm phán cứng rắn nhằm buộc EU phải nhượng bộ.
Đông Phong