Tổng thống Trump nhập cuộc, Istanbul sắp thành điểm hẹn lịch sử của Nga – Ukraine?

Tổng thống Trump nhập cuộc, Istanbul sắp thành điểm hẹn lịch sử của Nga – Ukraine?
6 giờ trướcBài gốc
Triển vọng về khả năng đối thoại tại Istanbul bắt nguồn từ một động thái bất ngờ của Tổng thống Putin cuối tuần qua. Trong bài phát biểu trước truyền thông ngày 11/5, ông tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine nhằm tìm giải pháp lâu dài để “giải quyết tận gốc rễ của cuộc xung đột”. Ông Putin đề xuất địa điểm tổ chức là Istanbul, một lựa chọn mang tính biểu tượng bởi vị trí trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ giữa Đông và Tây.
Đáp lại, Tổng thống Zelensky, trong phát biểu tại Kiev hôm 13/5, tuyên bố sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp mặt trực tiếp người đồng cấp Nga. “Tôi sẽ đợi ông Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm. Cá nhân tôi. Tôi hy vọng rằng lần này người Nga sẽ không tìm kiếm lý do”, ông Zelensky tuyên bố, và khẳng định sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara và sẵn sàng di chuyển đến Istanbul nếu Tổng thống Putin chọn địa điểm này.
Sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump càng làm tăng sức nặng cho sự kiện. Tổng thống Trump, người từng cam kết chấm dứt xung đột ngay trong chiến dịch tranh cử năm 2024, đã gọi đề xuất của Tổng thống Putin là “một ngày có khả năng tuyệt vời cho Nga và Ukraine”. Ông thậm chí gợi ý về khả năng xuất hiện tại Istanbul, dù sau đó xác nhận Ngoại trưởng Marco Rubio cùng các đặc phái viên Steve Witkoff và Keith Kellogg sẽ đại diện cho Washington.
“Hãy tổ chức cuộc họp ngay bây giờ!”, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, khi thúc giục cả hai bên nhanh chóng hành động. Sự can thiệp của Mỹ không chỉ làm gia tăng kỳ vọng về khả năng Nga và Ukraine có thể đạt được tiếng nói chung để sớm chấm dứt xung đột, mà còn khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu đây có phải cơ hội để Tổng thống Putin giữ thể diện trong bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng lớn.
Kỳ vọng nào cho các bên?
Dù các tín hiệu ngoại giao đang mở ra hy vọng, một số ý kiến đã tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng thực chất của cuộc đàm phán.
Lá cờ của Ukraine và Nga, từ trái sang phải. Hai nước đứng trước cơ hội chấm dứt xung đột tại cuộc đàm phán tại Istanbul hôm 15/5. Ảnh: krea.ai
Cơ sở của những nghi ngờ này đến từ những phát biểu của Tổng thống Putin, khi ông không nói rõ sẽ đích thân tham dự hay chỉ cử các nhà ngoại giao cấp trung. Truyền thông Nga cũng chỉ đưa tin Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn từ Moscow dự cuộc hội đàm hòa bình với Kiev, dự kiến diễn ra ở Istanbul trong ngày 15/5.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã công khai các chủ đề mà Moscow muốn đưa ra bàn đàm phán, bao gồm “phi phát xít hóa chế độ Kiev” và công nhận các vùng lãnh thổ như Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporozhye là “một phần không thể tách rời của Nga”. Những yêu cầu này, vốn từng khiến các cuộc đàm phán năm 2022 đổ vỡ, bị xem là một "tối hậu thư" hơn là cơ sở cho một cuộc đối thoại thực chất.
Dù Thứ trưởng Ryabkov khẳng định: “Chúng tôi cam kết đàm phán một cách nghiêm túc và có trách nhiệm”, song ông cũng thừa nhận khó dự đoán kết quả do “sự bất lực trong đàm phán” từ phía Ukraine.
Ngược lại, Ukraine vẫn giữ vững lập trường rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày. Andrii Yermak, người đứng đầu Văn phòng tổng thống Ukraine, nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen 2025: “Không thể đàm phán khi người dân Ukraine đang bị tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga tấn công liên tục”.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các lãnh đạo châu Âu, nổi bật là Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người khẳng định: “Quả bóng hoàn toàn nằm trong tay Nga”. Ông còn cảnh báo nếu Moscow không thể hiện tiến triển thực sự, châu Âu sẽ thắt chặt các lệnh trừng phạt, nhắm vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng và tài chính, nhằm gia tăng áp lực lên Điện Kremlin.
Áp lực "biến lời nói thành hành động"
Sự tham gia của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang làm phức tạp thêm cục diện. Tổng thống Donald Trump, với tham vọng để lại dấu ấn ngoại giao, đã tạo ra một động lực mới nhưng cũng đặt ra thách thức cho cả Nga và Ukraine.
Nhà khoa học chính trị Vladimir Pastukhov nhận định, sự hiện diện của ông Trump có thể là “chiếc áo phao” giúp Tổng thống Vladimir Putin giữ thể diện, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể tận dụng cơ hội này để củng cố vị thế của mình như một đối tác đáng tin cậy. Tuy nhiên, ông Pastukhov cũng cảnh báo nhà lãnh đạo Nga đang đứng trước ngã rẽ chiến lược: hoặc nắm bắt cơ hội để thoát khỏi cuộc chiến, hoặc mạo hiểm với một chiến dịch quân sự mùa hè đầy rủi ro.
Phía châu Âu, dù tạm dừng các đe dọa trừng phạt để chờ đợi kết quả từ Istanbul, vẫn giữ thái độ thận trọng. Thủ tướng Đức Friedrich Merz khẳng định “thỏa hiệp nhiều hơn không còn hợp lý”, và nhấn mạnh Moscow cần thể hiện bằng hành động củ thể. Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sẵn sàng ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nếu Tổng thống Putin không đáp ứng các điều kiện đàm phán. Những động thái này cho thấy châu Âu vẫn phối hợp chặt chẽ để gia tăng áp lực lên Nga, đồng thời đặt niềm tin vào khả năng đạt được bước tiến tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đóng vai trò trung gian quan trọng. Với kinh nghiệm tổ chức các cuộc đàm phán Nga-Ukraine trong quá khứ, ông Erdogan có thể định hình cuộc đối thoại theo hướng trung lập, nhưng cũng phải đối mặt với bài toán cân bằng lợi ích giữa các bên. Việc Tổng thống Zelensky xác nhận sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara trước khi sẵn đến Istanbul như một lời khẳng định rằng nhà lãnh đạo Ukraine chỉ chấp nhận đàm phán ở cấp cao nhất. Động thái này không chỉ nhấn mạnh quyết tâm của Kiev mà còn đặt thêm áp lực lên Moscow, buộc ông Putin phải làm rõ ý định tham gia của mình.
Thế giới vẫn đang nín thở chờ đợi khi thời điểm đàm phán giữa Nga và Ukraine đến gần, Liệu Istanbul có trở thành nơi ghi dấu bước ngoặt hòa bình, hay chỉ là một chương khác trong câu chuyện kéo dài của xung đột? Câu trả lời phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Putin, sự kiên định của Tổng thống Zelensky, và khả năng của các cường quốc trong việc biến lời nói thành hành động.
Việt Anh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tong-thong-trump-nhap-cuoc-istanbul-sap-thanh-diem-hen-lich-su-cua-nga-ukraine.703411.html