Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4 đã đình chỉ chức vụ của tướng Timothy Haugh - Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) kiêm Chỉ huy Bộ Tư lệnh An ninh mạng Mỹ (USCYBERCOM).
Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải nhiều quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo truyền thông Mỹ, tướng Haugh đã bị sa thải ngày 3/4 cùng với cấp phó dân sự của ông tại NSA - bà Wendy Noble. Kênh truyền hình CBS News dẫn một nguồn thạo tin cho biết Phó Giám đốc USCYBERCOM - Trung tướng William Hartman sẽ đảm trách quyền Giám đốc NSA.
Trong khi đó, bà Noble được điều chuyển sang một công việc trong Văn phòng Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Tình báo và An ninh của Lầu Năm Góc.
Trong một tuyên bố vào chiều 4/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell đã cảm ơn ông Haugh vì "nhiều thập kỷ phục vụ đất nước" và chúc gia đình ông mọi điều tốt đẹp, nhưng không giải thích lý do ông bị sa thải.
Nhà hoạt động cực hữu Laura Loomer đã ủng hộ việc sa thải ông Haugh và điều chuyển bà Noble trong cuộc họp với Tổng thống Donald Trump ngày 2/4. Trong một bài đăng trên nền tảng X sáng 4/4, bà Loomer chỉ rõ: “Giám đốc NSA Tim Haugh và Phó Giám đốc Wendy Noble đã không trung thành với Tổng thống Trump. Đó là lý do tại sao họ bị sa thải”.
Ông Haugh được cựu Tổng thống Joe Biden tiến cử làm người đứng đầu NSA hồi tháng 5/2023, nhưng đến tháng 12/2023 mới được Thượng viện phê chuẩn do Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville (thuộc đảng Cộng hòa, bang Alabama) trì hoãn tiến trình đề cử nhân sự quân đội suốt nhiều tháng nhằm phản đối chính sách của Lầu Năm Góc về việc thanh toán chi phí công vụ cho các quân nhân cần được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tháng 3 vừa qua, ông Haugh đã gặp gỡ tỉ phú Elon Musk, người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do chính quyền của Tổng thống Donald Trump lập ra, chịu trách nhiệm cắt giảm quy mô lao động liên bang. Các quan chức quen thuộc với sự kiện này cho biết chuyến thăm diễn ra tốt đẹp.
Trước đó cùng ngày, ít nhất 6 quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) cũng bị sa thải hoặc thuyên chuyển dưới tác động của bà Loomer với lý do tương tự.
Trong diễn biến khác cùng ngày 4/4, Tổng thống Trump đã hoãn thời hạn chót mà công ty ByteDance của Trung Quốc phải bán TikTok, nếu không mạng xã hội này sẽ bị cấm ở Mỹ. Thay vì phải dừng hoạt động vào ngày 5/4, TikTok sẽ được phép hoạt động thêm 75 ngày, đến giữa tháng 6 tới.
Đây là lần thứ 2 ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng hoãn thi hành lệnh cấm TikTok - mạng xã hội có 170 triệu người sử dụng ở Mỹ. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho hay thương vụ TikTok “cần làm thêm nhiều việc nữa để bảo đảm tất cả điều khoản cần thiết đều được ký".
Thời gian qua, ByteDance tiếp tục đàm phán với Chính phủ Mỹ về số phận của TikTok, nhấn mạnh rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng phải phù hợp với luật Trung Quốc. Thông báo của ByteDance chỉ rõ: “Chưa có thỏa thuận nào được thi hành. Có nhiều vấn đề quan trọng phải giải quyết".
Tháng 4/2024, cựu Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua dự luật cấm TikTok sau nhiều năm Quốc hội Mỹ lo ngại ByteDance gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Cụ thể, các nhà lập pháp Mỹ lo ngại ByteDance có thể cung cấp dữ liệu của người dùng TikTok cho Chính phủ Trung Quốc, hoặc Chính phủ Trung Quốc có thể ép buộc ByteDance giúp tuyên truyền trên TikTok.
Lệnh cấm này có hiệu ngày 19/1 vừa qua, nhưng đã được Tổng thống Trump hoãn thi hành 75 ngày. Cho đến nay, nhiều công ty như Oracle, AppLovin, Amazon đã tỏ ý muốn mua TikTok.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)